Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-1.jpg
Nhật Bản có thể được gọi là thiên đường âm nhạc với rất nhiều các quán café, bar hay club dành riêng cho dân audiophile. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng theo chân phóng viên Aaron Coultate để ghé qua 1 số địa điểm nổi tiếng nhất với dân chơi âm thanh, hay nói cách khác là những nơi “phải đến” của người yêu nhạc khi đặt chân đến xứ sở hoa anh đào

Nhiệt độ giảm nhẹ khi băng qua sông Tama và đến gần hơn với núi Fuji. Mục tiêu hiện tại chính là Hachiōji nằm ở góc phía tây Tokyo. Về đêm, Hachiōji mang lại cảm giác như 1 Tokyo thu nhỏ với ánh đèn neon từ các bảng quảng cáo cùng dòng người lũ lượt đi về. Chỉ với một quãng đi bộ ngắn, chúng ta có thể bắt gặp ngay quán SHeLTeR được điều hành bởi Yoshio Nojima từ năm 1989.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-2.jpg

SHeLTeR hầu như sở hữu tất cả những gì mà dân audiophile mơ ước, từ dàn mixer Bozak hay các bộ amp hi-end đến các bộ loa “khủng” của JBL cả về chất lượng lẫn kích thước. Yoshio Nojima chăm chút cho dàn âm thanh của mình gần như mỗi ngày, đi kèm cả với những thiết lập phòng âm dường như chỉ có thể gặp ở các studio cao cấp. Trước bục DJ là 4 ghế VIP với vị trí xoay lưng lại và hướng thẳng vào dàn loa chính. Nojima cho biết đây là các vị trí có thể đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-3.jpg

Mục đích gây dựng SHeLTeR của Nojima rất đơn giản: tạo ra 1 nơi thích hợp cho những người bạn gặp gỡ, trò chuyện và cùng nhau thưởng thức âm nhạc. Không chỉ có chất lượng âm thanh gần như “vô đối”, SHeLTeR còn có không gian cực kỳ ấm cúng, cung cấp cho người nghe sự gần gũi như phòng khách ở nhà mình. DJ đêm nay là Chee Shimizu, người rất có tiếng trong giới chơi âm thanh Tokyo. Anh ngồi trò chuyện cùng vợ mình là Kanako, cũng là 1 DJ có tiếng, cùng những người bạn từ chiều tối trước khi chính thức bắt đầu công việc hàng đêm của mình. Chee Shimizu chơi ngay bài “Mercuric Dance” của Haruomi Hosono khiến các ngọn nến xung quanh rung động từ bước chân lũ lượt của mọi người bước xuống cầu thang. Một buổi tối tuyệt vời bắt đầu như thế.

Từ nhiều năm qua Shimizu đã có mối liên hệ đặc biệt với SHeLTeR. “Khi tôi vừa mua 1 bản thu nào đó, tôi mang nó đến đây chơi thử và ngay lập tức có thể đánh giá được rằng nó có tốt hay không” – anh chia sẻ. Shimizu bắt đầu 1 chuỗi các buổi nghe Tabiji (nghĩa là “Hành trình” trong tiếng Nhật), tạo nên phong trào cho các buổi nghe từ các DJ nổi tiếng thế giới như Prins Thomas, Basso, Lovefingers, Jonny Nash, Tako Reyenga và Abel Nagengast (Red Light Records). “Mục tiêu từ đầu là chơi các dòng nhạc non-dance như jazz, prog-rock, experimental và avant-garde. Lúc đầu mọi người không mấy quan tâm do chưa hiểu hết mục tiêu của các buổi nghe thử này, tuy nhiên sau đó nó đã được chấp nhận và phát triển mạnh mẽ, tạo nên 1 trào lưu mới trong các DJ trẻ hiện nay” – Shimizu cho biết. Tabiji vẫn được tổ chức thường xuyên ở SHeLTeR trong khi các địa điểm khác như Forestlimit (Hatagaya) đã có các buổi nghe với chủ đề riêng của mình.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-4.jpg

Shimizu cho biết thêm: “Lý do chúng tôi có thể tổ chức các buổi party thử nghiệm nói trên ở Tokyo là vì ở đây có rất nhiều các con phố đẹp. Tôi không có quá nhiều cơ hội chơi trong các club lớn tuy nhiên như vậy sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ phong cách của mình phù hợp hơn với các không gian nhỏ”.

Mặc dù các buổi party của Shimizu rất độc đáo và có phần lạ lẫm với kiểu chơi 2 turn-table, thói quen nghe vinyl cùng dàn âm thanh hi-fi trong phòng kín thực sự không quá mới mẻ ở Nhật. Bắt nguồn từ các jazz kissa (jazz café) và meikyoku kissa (classical music café) sau Chiến tranh Thế giới thứ II, người yêu nhạc ở Nhật có thể thưởng thức âm nhạc mà không phải đầu tư quá tốn kém (các đầu chơi và đĩa nhạc vinyl nhập khẩu lúc đó có giá cực đắt). Các quán café này cũng tập trung chính vào chất lượng âm thanh, thứ không bao giờ là thừa với dân audiophile.

Khá nhiều nơi ở Tokyo vẫn còn hoạt động theo tiêu chí này, đơn cử như Lion café hoạt động từ năm 1926 và vẫn tiếp tục giữ loại hình classical meikyoku kissa. Lion café được đặt tại trung tâmShibuya, con phố sầm uất nhất của Nhật Bản và là nơi tiếng nhạc cùng tiếng máy pachinko không bao giờ dứt. Bên trong Lion là thiết kế hoài cổ với đèn chùm sáng loáng trên trần nhà và dàn âm thanh đồ gỗ cực kỳ bắt mắt (và bắt tai), điểm xuyết bằng 2 cột đứng 2 bên. Nhân viên quán thay đổi qua lại các giai điệu classical trên CD và vinyl cùng lời giới thiệu thì thầm như mật ngọt. Người nghe ít khi nói chuyện mà vừa đọc sách, viết lách hay chỉ đơn giản là ngồi im và cảm nhận tiếng nhạc tràn đầy.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-5.jpg

Các quán music café ở Nhật nhiều đến nỗi dù bạn có là tín đồ của dòng nhạc nào đi nữa thì vẫn có thể dễ dàng tìm thấy nơi phù hợp cho mình. Ví dụ có 1 quán bar ở Shinjuku là Ura Mado chỉ duy nhất chơi nhạc Maki Asakawa, nghệ sỹ jazz cực kỳ nổi tiếng của Nhật. Tên quán cũng được đặt trùng với 1 trong những album của Maki Asakawa. Những ai yêu thích drone electronic và experimental electronic có thể tìm đến Nightingale ở Golden Gai (Shinjuku). Ngoài ra còn có các địa điểm giữ chân hầu hết các du khách nước ngoài như Balearic Café hay Tengu Shokudo. Nhiều nơi khá là khó tìm nếu bạn không có hướng dẫn viên và điều này càng làm người yêu nhạc tò mò hơn nữa.

Nhà sản xuất kiêm DJ Jonny Nash cho biết: “Người Tokyo luôn có văn hóa đi bar dù đó có phải là bar chuyên nhạc hay không. Tuy nhiên cũng có văn hóa riêng về chơi nhạc, audiophile và dân ghiền nhạc, các mảng này hợp chung tạo nên những địa điểm rất đáng chú ý”. Jonny Nash cũng đã từng làm việc cùng Chee Shimizu trong party Discossession, ngoài ra còn có 2 DJ Dr Nishimura và Zecky.

Các điểm chơi nhỏ cũng xuất hiện 1 phần từ các thay đổi gần đây trong bộ luật fueiho mới ở Nhật đòi hỏi các hộp đêm phải có giấy phép fuzoku (chứng nhận có không gian từ 66m2 trở lên). Tuy nhiên nếu hoạt động dưới giấy phép này sẽ bị thanh tra rất kỹ lưỡng và đôi khi xảy ra các rắc rối với cảnh sát, vì thế đa số các ông chủ đều chọn hình thức quy mô nhỏ tuy có lợi nhuận thấp hơn nhưng sẽ làm ăn dễ dàng hơn nhiều. Luật sư Takahiro Saito, người đang rất tích cực trong phong trào đòi hỏi bãi bỏ luật fueiho, cho biết: “Nhiều nơi tuy nhỏ nhưng có hình thức hoạt động vô cùng độc đáo nhắm đến văn hóa nghe nhạc chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận”.

Tuy nhiên không phải địa điểm nghe nhạc nào ở Tokyo cũng có hệ thống âm thanh hoàn hảo. DJ Sprinkles (Terre Thaemlitz) nói: “Trong những nơi tôi đã từng đến chơi nhạc, không nơi nào có được hệ thống âm thanh có thể gọi là ổn định hay ít ra là near-perfect. Chủ nhân của các dàn âm thanh này cũng biết rõ điều đó và họ thường chấp nhận các góp ý theo hướng vui vẻ và không quá cầu toàn. So với các hộp đêm lớn với kỹ sư chuyên nghiệp thiết lập dàn âm thanh, các club nhỏ đa phần chỉ có người nghiệp dư chơi với nhau. Khi kiểm âm, club hay bar lớn hướng đến việc che đi các khuyết điểm của dàn âm thanh hơn là giải quyết nó 1 cách triệt để. Chủ nhân của các club nhỏ thì rất vui vẻ và thường tiếp nhận góp ý của bạn để cùng nhau xây dựng, còn các club lớn lại khó chịu hơn theo kiểu “anh nghe thấy dở kệ anh”. Đây chính là khác biệt lớn nhất về “văn hóa chơi nhạc” mà tôi muốn nói đến”.

Oath, Bonobo và Koara là 3 điểm chơi nổi tiếng nhất ở Tokyo cho người yêu thích thể loại electronic. Oath rất hay mời DJ nước ngoài về biểu diễn và thường có lượng khách đầy tràn trong các mùa nóng bức. Trong quán bày trí khá nổi bật với trần sơn đỏ và tường bằng đá, đi kèm cùng khung rèm màu tím được kéo ra khi trời hừng sáng. Thức uống chỉ tầm khoảng 500 JPY, rẻ cho cả du khách lẫn dân bản địa.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-6.jpg

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-7.jpg

Koara tọa lạc tại khu Jinnan của Shibuya, trang trí với tường bê tông và đèn mờ ảo cùng sàn nhảy hơi tối. Quán sử dụng mixer Urei, amp McIntosh và loa EAW với chiều cao gần bằng trần nhà. Các DJ bản địa thường chơi house và techno cho đến khoảng 5 giờ sáng, lác đác vài người ra sàn nhảy còn lại phần lớn đều ngồi ở bar rượu hút thuốc và nhấm nháp whiskey.

Bonobo được đặt trong tòa nhà 55 năm tuổi ở Tokyo, sở hữu sàn nhảy với sức chứa từ 50 ~ 60 khách. Quán có tường bao hình cung màu trắng ngả vàng vì nhiều năm ám khói thuốc, phía sau bục DJ là 2 loa trụ Altec như 2 người bảo vệ khổng lồ. Koichi Sei, chủ nhân Bonobo, vui vẻ nói: “Hầu hết các hộp đêm đều có tường phẳng sơn đen nên tôi muốn đi ngược lại với tường cong cùng lớp sơn trắng”.

Cái đêm tôi ghé thăm Bonono cũng là lúc vinh hạnh được trải nghiệm chất nhạc house quyến rũ của DJ Sprinkles. Đêm đó, Koichi Sei vô cùng bận rộn vì phải liên tục cân chỉnh máy điều hòa và hệ thống đèn cho phù hợp với lượng khách ngày càng gia tăng. Sei là người đàn ông vui vẻ thường kết thúc câu nói của mình bằng 1 tràng cười. Anh mở quán Bonono khoảng 12 năm trước khi vừa trở về Nhật Bản, thực hiện ước mơ của mình theo chân David Mancuso của The Loft (New York), 1 trong những hộp đêm mà anh thường xuyên ghé đến trong khoảng thời gian 1989 – 1999 khi sinh sống ở đây. Chủ nhân trước của tòa nhà này cũng là 1 người làm loa, sở hữu 1 không gian cách âm tuyệt vời chình là Bonono của hôm nay. Sei kể: “Ông ấy đã lớn tuổi và muốn tìm người nào đó có thể sử dụng tốt không gian này, và thế là tôi bắt đầu. Đầu tiên tôi chỉ muốn làm thế nào cho Bonono có được chất âm hay như ở The Loft, dần dà bắt đầu chuyển qua nghiên cứu âm thanh chuyên sâu”.

Sáu năm trước Bonono xảy ra hỏa hoạn và Sei có được 1 phần tiền bảo hiểm, anh ngay lập tức đầu tư vào 1 nhà hàng nhỏ và phòng thư giãn ở tầng 1 của tòa nhà. Sei nói: “Tôi muốn tạo ra 1 không gian “house party”, thứ mà người dân Tokyo bận rộn rất hiếm khi có thể có được.” Bonono tuy rất nổi tiếng là nơi chơi nhạc house và techno nhưng đôi khi Sei vẫn mời 1 nhóm jazz 4 thành viên về làm liveshow, ngoài ra cũng có các nhóm hardcore khác nữa.

Sei cũng cho biết anh chú trọng và chất lượng âm thanh hơn là âm lượng chơi nhạc. Anh nói: “Tiếng nhạc quá lớn sẽ làm người nghe khó chịu, nhất là nhà kế bên. Vì vậy với chất lượng âm thanh tốt, Bonono sẽ có thể phục vụ cho mọi người và họ vẫn có thể nói chuyện hay nhảy nếu muốn, và cũng không có lời than phiền nào từ nhà bên cạnh”.

Thaemlitz cho rằng các quán nhỏ ở Tokyo thường tắt luôn bass khi đêm đến nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát theo luật fueiho hiện thời. Khi có cảnh sát tuần tra xung quanh, tiếng bass nhỏ sẽ làm nhạc không quá sôi động. Mọi người trong quán do chỉ có không gian nhỏ cũng không quá chú ý đến tiếng nhạc và vẫn cho rằng nó bình thường. Thực sự tôi nghĩ bộ luật fueiho này rất tệ và những người phải chịu ảnh hưởng không ai khác chính là chủ quán và các nhân viên, lúc nào cũng phải lo lắng phải chịu phạt.”

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-8.jpg
Dĩ nhiên bộ luật fueiho đã giải quyết gần như triệt để các tệ nạn trong các hộp đêm lớn, tuy nhiên với các club nhỏ thì nó không cải thiện tình hình được chút nào. Ví như Lion café (nói trên) chỉ chuyên chơi classical thì sẽ không cần giấy phép fueiho làm gì. Đây là cái vòng luẩn quẩn khi hộp đêm muốn làm khách hàng hài lòng (ví dụ cho nhảy) thì lại phải cần giấy phép hoạt động và nằm trong quản chế.

Luật sư Takahiro Saito nói: “Các điều khoản trong luật fueiho rất mù mờ và thường được quyết định theo mặt bằng chung của các hộp đêm cỡ lớn, trong khi điều này hoàn toàn khác biệt khi nói đến các hộp đêm nhỏ. Các hậu quả mà bộ luật này để lại cho loại hình kinh doanh hộp đêm nhỏ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc các hộp đêm nhỏ này có phản kháng lại hay không”.

Masaaki Ariizumi, chủ hộp đêm Bridge với dàn âm thanh Rey Audio và cảnh quan 10 tầng ngay giao lộ Shibuya, cũng đã từng chịu các thiệt hại không đáng có từ bộ luật fueiho này. Ông có thâm niên làm hộp đêm đã hơn 30 năm và đã nhiều lần bị kiểm tra và bắt bớ vô lý gây thiệt hại trầm trọng về cả tinh thần và tài sản. Tuy nhiên ông không quá bi quan mà cho rằng mọi việc đã khá hơn nhiều khi “Nhật Bản đã dần dần trở thành quốc gia mà người ta không còn phải sợ phạm luật khi nhảy nhót. Các hộp đêm quy mô nhỏ cũng vì vậy mà hoạt động an toàn hơn mà không sợ vấp phải quá nhiều luật lệ”.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-9.jpg

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-10.jpg

Tuy nhiên cũng không thể không nhắc đến những nơi dường như sở hữu khái niệm “thiên đường âm nhạc”, thoát ra khỏi khói bụi và mồ hôi mệt mỏi của cuộc sống thường ngày. JBS nằm trên tầng 2 của 1 tòa nhà ở Shibuya hiện ra với những chai rượu Old Grand-Dad, Old Crow hay whiskey và bourbon đắt tiền tô điểm cho kệ gỗ với hơn 10.000 bản thu. Chủ nhân JBS là Kobayashi Kazuhiro đã vứt bỏ công việc làm công ăn lương thường ngày của mình để mở ra thiên đường này, 1 câu chuyện gần như bước ra từ tiểu thuyết của Murakami.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-11.jpg

Trong đêm tôi ghé thăm JBS tôi đã nhìn thấy Kazuhiro làm việc. Anh vừa phục vụ nước uống vừa lướt ra sau bar đến 1 góc phòng để chọn chơi 1 bản thu mới. Đầu tiên là The Sweet Life (Reuben Wilson), rồi đến Hell (James Brown). Ngoài việc chú ý cân chỉnh âm lượng, Kazuhiro còn trịnh trọng đặt bìa album dưới ánh đèn để mọi người biết được mình đang nghe gì.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-12.jpg

Nightingale cũng khá giống JBS tuy nhiên khó tìm hơn khi nó ẩn sâu trong khu Golden-Gai. Nó rất nhỏ chỉ khoảng 7 ghế ngồi, 1 ghế bành, 1 piano, phần bar rượu cùng loa JBL đi kèm với amp McIntosh. Bày trí xung quanh khá là độc đáo với đồ chơi, đồ trang trí và đèn neon hình hoa. Sau bar là chiếc TV nhỏ chiếu các bộ phim tình cảm những năm 1920.

Cũng có một vài nơi đạt được độ tinh tế như Nightingale trong đó nổi bật là Grassroots. Quán tọa lạc gần Higashi Koenji và sở hữu bày trí theo phong cách tự nhiên. Buồng DJ được nằm sau hàng cây và các ống tre, trong khi các khoanh gỗ được sử dụng như ghế ngồi. Phía sau bar là các lỗ nhỏ được khoan đục khéo léo cho phép các tia nắng lọt vào nhìn rất vui mắt. Đây cũng là địa điểm lui tới của rất nhiều DJ nổi tiếng của Nhật Bản, trong đó có nhà sản xuất kiêm DJ Gonno, ngoài ra cũng được nhiều lần viếng thăm và biểu diễn bởi DJ Nobu “chuyên trị” nhạc techno rất có tiếng trong giới DJ chuyên nghiệp.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-13.jpg

Grassroots đã hoạt động 19 năm, điều hành bởi Toshiyuki Suzuki hay còn được gọi là Q-san. Anh cho biết dàn âm thanh của Grassroots đánh jazz cực tốt với combo loa JBL, 1 chiếc amp DIY và loa super-tweeter. Suzuki cũng cho biết khách đến Grassroots không thuộc lứa tuổi quá trẻ nữa mà đa số tìm đến vì không gian ở đây ấm cúng như ở nhà.

Monospace-Tokyo-Audiophile-Avenues-14.jpg

Có thể thấy ý tưởng “như ở nhà” là 1 điểm mạnh mẽ để thu hút người chơi audiophile ở Nhật. Ai cũng cần những điểm nhấn riêng cho cuộc sống của mình dù đó là sự cô đơn hay hòa nhập cộng đồng. Sự ấm áp gần gũi đó có mặt ở SHeLTeR, Grassroots hay cả Orbit (ở khu Sangen-jaya). Trở lại với Nojima, chủ nhân của SHeLTeR, anh cho biết mục tiêu chính của mình là tạo ra 1 sự giải thoát cho cuộc sống quá xáo trộn hàng ngày ở Tokyo. “SHeLTeR là tất cả những gì mà người yêu nhạc nói riêng hay tất cả mọi người nói chung cần sau 1 ngày làm việc mệt mỏi. Nó cung cấp 1 không gian thư giãn cho bạn bè và người thân đến để trò chuyện, gặp gỡ hay đơn thuần chỉ là chìm đắm vào âm nhạc. Những điều này tưởng chừng như rất đời thường, tuy nhiên chúng cũng là điều tối quan trọng cho sự cân bằng của cuộc sống”.

Nguồn: Monospace