Có những máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm, tưởng chỉ nằm phủ bụi thời gian hoặc đem trưng bày đồ cổ, đã được người đàn ông 55 tuổi ấy hồi sinh và cất tiếng. Ông là Nguyễn Thi, một người Đà Lạt đam mê máy hát cổ.megastory

Trong ngôi nhà kiểu cũ ở đường Yogout, ông Thi say sưa kể về những chiếc máy hát cổ lần đầu đến Đà Lạt từ thời Pháp thuộc. Lúc ấy, cha ông là người hiếm hoi ở thành phố mù sương có thể sửa máy hát, nhạc cụ có chứng chỉ tại trường vô tuyến điện Tấn Phát, Sài Gòn năm 1962.

Và những chiếc máy hát ấy bỗng một ngày lại vang lên những giai điệu quen thuộc như cả trăm năm trước nhờ tài nghệ của ông Thi.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 1.
Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 2.

“Ba tôi là người tạo cảm hứng cho tôi. Hồi đó, ông cho tôi một cái máy hát băng cối nhỏ để thích bài nhạc nào thì thu âm từ những cái máy lớn xuống”.

“Lúc đó tôi chỉ cỡ 7 – 8 tuổi. Chiều con, ông cắm hết dây, tôi chỉ việc bấm và thu. Đó là cái máy khá đặc biệt của Ý. Thay vì bỏ đĩa than từ trên xuống thì phải đút ngang. Hát xong nó tự động văng ra. Đến bây giờ tôi vẫn giữ nó làm kỷ niệm”, ông Thi kể.

Ông nói mẹ vẫn kể xưa cha sửa máy hát cho khách đông lắm. Ngày đắt khách có khi sửa đến 50 cái. Hầu hết là máy hát mới xuất xưởng, mới nhập qua, chỉ trục trặc nhẹ nên sửa nhanh. Có khi ông thức đến 3 – 4h sáng để sửa.

Trong gia đình, chỉ có ông và cậu em trai theo được nghề cha. Người em trai thành thạo phần vỏ máy, còn ông rành về điện – điện tử. Cả hai hiện vẫn sống độc thân, chăm người mẹ đã ngoài 90 tuổi và lưu giữ, phục hồi, sưu tầm những máy hát cổ, đồ cổ trong một ngôi nhà kiểu cũ ở trung tâm TP Đà Lạt.

“Từ lúc bắt đầu tiếp xúc với máy hát tới nay cũng đã hơn 60 năm, tôi vẫn giữ lại những cái máy độc đáo. Như cái máy hiệu Akai của ba, âm thanh rất hay và nó có thể tự quay băng hát lại bất kỳ thời điểm nào do mình chọn”, ông Thi hào hứng kể về bộ sưu tập máy hát độc đáo của mình.

Người “đánh thức” những máy hát trăm năm tuổi – Video: TVO

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 4.

Trong căn ngôi nhà của ông Thi, từ tầng trên xuống dưới chất đầy những chiếc máy hát cổ đủ loại. Máy hát băng cối cũng khoảng 50 – 60 cái, những máy hát chạy bằng băng than, băng đá, băng nhựa có thể lên đến 200 cái.

“Giống như người bác sĩ, cái thú vị của nghề này là thay vì cứu người mình cứu sống cái máy, thay vì vứt đi mình làm cho nó hát lại. Vì vậy, dù có lúc xao nhãng những việc khác trong đời người như đi làm, có công danh, gia đình, sự nghiệp… tôi vẫn giữ nghề”, ông Thi bộc bạch.

Ông kể trước ông chỉ sưu tầm trong nước, cứ tìm mua máy hư rồi về sửa lại. Sau này thông thương, ông mới tìm mua trên mạng. Nhờ có học đàn và đóng đàn nên ông cũng có thêm kiến thức về nhạc lý để sửa máy hát tốt hơn.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 5.

Gặp người bán tốt bụng, nếu bán 2 cái thường họ sẽ bán sao cho linh kiện san qua san lại được, về nhà ông lại độ chế, mày mò sửa và phục hồi được cả hai.

Sửa chữa máy hát quan trọng là phải biết nó hay hư cái gì để sửa cho nhanh nhất. Ông nói từ khi theo phụ cha, do cha giỏi nhiều thứ, nghề tiện cũng biết, mộc cũng biết, sửa xe hơi cũng biết… nên ông luôn học hỏi rồi tự nghiên cứu những kỹ thuật mới, tự phát hiện rồi độ chế thêm đồ nghề.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 6.

Cũng nhờ có cha, ông Thi mới biết thiết bị âm thanh đầu tiên mà con người sáng chế ra là từ băng bằng… dây thép. Cơ duyên sau này, trong lúc săn tìm máy hát cũ trên mạng về phục hồi, ông đã mua được chiếc máy hát chạy bằng băng thép ấy.

Người bán cho ông Thi qua mạng, một người nước ngoài, đã rất ngạc nhiên khi thấy ông hỏi mua chiếc máy này, bởi hẳn phải có kiến thức về âm thanh và lịch sử phát triển máy hát mới có thể yêu thích và chọn mua món đồ tưởng như vô giá trị ấy và lạ lẫm ấy.

Điều thú vị hơn, sau khi mua chiếc máy hát bằng băng thép về, ông Thi đã nghiền ngẫm từ cuốn sách cũ mà cha để lại rồi mày mò phục hồi được nó. Cuối cùng, chiếc máy đã có thể hát lại bằng những cuộn băng thép trước đó ông đã sưu tầm.

“Chỉ tiếc là giờ ba không còn để nhìn thấy cái máy hồi xưa ông kể, tôi từng cãi ông rằng làm gì có cái máy như thế! Đến giờ tôi vẫn còn giữ nó như một món đồ đầy kỷ niệm về ba”, ông Thi vừa kể vừa lau lớp bụi phủ nhẹ trên chiêc máy hát nhỏ chạy bằng băng thép.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 7.
Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 8.

Năm lớp 7, ông Thi bắt đầu theo ba đi phụ nghề. Học hết phổ thông, ông đi làm nghề sửa máy hát, đóng nhạc cụ ở Đà Lạt.

Ban đầu người quen giới thiệu, sau tiếng đồn xa, có lần ông còn được một người từ Pháp tìm đến để nhờ tìm một máy quay phim cổ có thể đọc được đoạn phim cũ của gia đình họ.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 9.

Có nhiều người từ Sài Gòn, Hà Nội, thậm chí ở nước ngoài thông qua bạn bè nghe tiếng cũng tìm tới nhờ ông phục hồi lại các đời máy hát cổ.

“Ba tôi là người kỹ tính. Ông hay giữ đồ cho khách. Có những cái máy ông sửa từ trước năm 1975 đến giờ vẫn còn. Thay vì vứt đi ông tiếp tục giữ nên số lượng máy rất nhiều. Tôi cũng theo đó, vẫn giữ vì biết đâu một ngày nào đó chủ những chiếc máy hát lại đến lấy”, ông chia sẻ.

Giữ mãi, 5 – 10 năm rồi 15 – 20 năm… Khi phong trào chơi đồ cổ trở lại, thấy người ta chơi nhiều, ông mới nghĩ lấy mấy cái máy ra để phục hồi lại. Cứ thế mày mò, tỉ mẩn từ năm này qua năm khác, đến mức “quên” cả nhiều thứ trên đời như cách ông nhìn nhận.

Tâm huyết và thầm lặng đeo đuổi niềm đam mê, đến giờ ông vẫn mong muốn những thứ ông đã sưu tầm và lưu trữ rồi sẽ có người nào đó kế thừa và phát triển.

“Tôi sống độc thân nên định sẽ tặng hoặc giao cho ai đó thực sự yêu thích công việc này để phát triển nó lên, chứ không muốn “cơ ngơi” này mai một đi hoặc biến thành chỗ buôn bán”, ông Thi bâng khuâng nói về kho máy hát cổ mà cả đời ông dành tâm sức phục hồi, lưu giữ.

Đánh thức những chiếc máy hát cổ tuổi đời cả trăm năm - Ảnh 10.
Nguồn: Tuổi Trẻ