HFVN – Chơi đĩa than lâu nay vẫn được xem là một thú chơi “quý tộc” bởi đòi hỏi khắt khe về trình độ, đam mê, tiền bạc. Việc rất kén người chơi dẫn đến việc sân chơi này bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên, thú chơi đĩa than hiện đang có dấu hiệu hồi sinh.

Thú chơi đĩa than ngày xưa cũng như ngày nay thường được coi là thú chơi của giới “quý tộc”. Ngày xưa người ta gọi vậy là bởi thường chỉ giới thượng lưu mới có tiền để sắm một bộ dàn âm thanh to đùng, đôi khi để trang trí nhiều hơn để nghe nhạc. Còn ngày nay, đĩa than thường bó hẹp trong khuôn khổ những người nghe nhạc sành điệu, đam mê và nhiều tiền.

939341

Sở dĩ nói những người chơi đĩa than là những người nghe nhạc sành điệu là bởi họ là những người có đòi hỏi rất cao về chất lượng âm thanh chứ không phải là những người “sành” theo kiểu để sưu tầm. Trước đây nguyên lý ghi âm đĩa than là nguyên lý cận kề với “nguồn cội” nhất, bởi nó gần như bê nguyên cách thức mà Thomas A. Edison đã ghi âm bản ghi đầu tiên năm 1877.

Kỹ thuật ghi và đọc bằng đĩa than thuần tuý analog mang đến những âm thanh trung thực và “mộc” nhất cho người nghe. Với đĩa than, âm thanh có độ nổi, sự tách bạch giữa âm thanh của nhạc cụ và giọng ca sĩ rất rõ ràng, ngay cả những nét “rung” cũng được truyền tải hết sức trung thực. Hoàn toàn khác với công nghệ Digital hiện nay, khi mà âm nhạc được xử lý hết sức kỹ lưỡng và “công nghiệp” khiến cảm xúc của ca sĩ bị mất đi khá nhiều. Sở dĩ làm được điều đó là bởi đĩa than gần như không bị giới hạn về tần số, biến thiên cường độ như đĩa CD (vốn bị hạn chế tối đa ở mức 22,05 KHz) khi mã hoá âm thanh. Vì thế, tất cả bồi âm được tái tạo gần như hoàn toàn, mang đến cho người nghe âm thanh trung thực và hoàn chỉnh nhất.

Vào những thập kỷ 50 – 80 của thế kỷ trước, thú chơi đĩa than rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt tại Sài Gòn – TP HCM. Tuy nhiên, từ thập niên 90 đến nay, với sự lên ngôi của băng cối, đĩa CD và công nghệ ghi âm digital, “lãnh địa” của đĩa than cũng bị thu hẹp lại. Giới trẻ ngày nay thích cơ động, nhanh chóng và dễ dàng nên thường chọn điện thoại, máy nghe nhạc MP3 làm bạn đồng hành. Dù cho chất lượng âm thanh hơn hẳn nhưng nhược điểm của đĩa than là cần một không gian nghe nhạc phù hợp, dàn đĩa cồng kềnh không cơ động và đặc biệt là khó chơi và đắt tiền.

Với những nhược điểm kể trên, ngày nay đĩa than vô tình “chọn lọc” tín đồ rất kỹ. Không phải ai cũng có đủ không gian để dành một góc riêng cho phòng nghe nhạc, không phải ai cũng có đủ thời gian để ngồi thiền bên cạnh dàn đĩa, không phải ai cũng có đủ đam mê để đi khắp hang cùng ngỏ hẻm để tìm mua đĩa than (ngày nay đĩa than rất khó tìm ở Việt Nam, phần vì ít người mua, phần vì gần như vài chục năm nay không ai sản xuất đĩa than. Ngoài Mỹ Linh với đĩa Tóc ngắn Acoustic – Một ngày và gần đây là đĩa của Đức Trí sản xuất có tên: Nguyễn Ánh 9 – Lặng lẽ tiếng dương cầm vừa phát hành.) Và khó khăn lớn nhất với người chơi, có lẽ là kinh phí để mua và nâng cấp thiết bị.

Thật ra, theo một số “tay chơi” sành sỏi chỉ cần dăm ba triệu đồng người ta cũng có thể có một bộ chơi đĩa than “nghe được” với điều kiện biết lắp ráp, sửa chữa bởi đa phần là “hàng thửa”. Khổ nỗi, đã là dân chơi đĩa than thì không ai chấp nhận mức độ “nghe được” nên số tiền đổ vào dàn nghe đĩa than theo đó mà tăng lên với cấp số nhân. Một bộ dàn “chấp nhận được” đối với dân chơi đĩa than có mức giá khoảng một vài ngàn đô là chuyện thường. Cá biệt dàn nghe đĩa than của “tay chơi” K.A ở Lò Đúc – Hà Nội “bị” đồn có giá lên tới 100,000 USD. Đã chơi đĩa than thì chuyện bỏ ra một vài ngàn đô mua kim tết là chuyện thường dù sự thật kim tết giá nào cũng có, từ một triệu đồng cho đến 10,000 đô tuỳ theo chất lượng, cá biệt có kim tết bằng kim cương giá lên tới 100,000 đô. Mà khổ nỗi kim tết lại là thứ dễ hư hỏng nhất, có khi tháng hư một vài cái là chuyện thường. Còn đĩa than bán ở Việt Nam giá cũng “quý tộc” không kém, như đĩa của Mỹ Linh có giá tới 1,3 triệu, còn đĩa mới của Đức Trí cũng lên tới 900,000 đồng.

Với những khó khăn chồng chất như vậy, đã có thời tưởng như thú chơi đĩa than đã “chết” hoặc chỉ lay lắt ở những cộng đồng nhỏ. Thế nhưng thời gian gần đây, thú chơi này đang dần được hồi sinh, các quán cà phê âm nhạc giờ đây không hiếm cảnh các nhóm chơi đĩa than tụ họp chia sẻ kinh nghiệm lẫn “khoe đồ”, các trang mạng diễn đàn về thú chơi đĩa than cũng rất “tấp nập”, kéo theo đó là sự cung ứng về dàn đĩa cũng như đĩa than (chủ yếu xách tay từ nước ngoài về) phát triển khá mạnh. Dĩ nhiên, không phải ai cũng được như Nghệ sỹ guitar Phan Quang Minh có tới 6,000 đĩa than cổ nhưng những người sở hữu con số hàng trăm có lẽ không hề hiếm. Có thể kể tên như hoạ sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Đức Trí…

Theo nhạc sĩ Đức Trí, những ai trót đam mê thú chơi âm nhạc nói chung và đĩa than nói riêng, sẽ khó mà từ bỏ được. Bản thân người nhạc sĩ tài hoa này cũng có hẳn một “kho” riêng để lưu trữ và phục vụ cho thú chơi âm thanh của mình. Những ai may mắn được anh cho phép vào phòng kho này, họ hẳn sẽ hoa mắt bởi hệ thống lưu trữ đồ sộ và rất khoa học của anh. Từ băng cối, đĩa CD cho đến (dĩ nhiên) đĩa than. Đức Trí chia sẻ, cộng đồng người chơi đĩa than tại TP HCM hiện đang phát triển rất mạnh mẽ, bản thân anh cũng thường sinh hoạt với cộng đồng này nên nắm được rất rõ và cũng rất vui mừng trước sự hồi sinh này. “Nói thật với nhạc sĩ như tụi tôi, không gì buồn bằng việc thấy người ta nghe nhạc bằng… điện thoại. Vậy nên sự hồi sinh này mang đến cho chúng tôi những niềm hi vọng mới.”

ai_thumb

Vĩ thanh dành cho đĩa than là cách mà Đức Trí nói về sự hồi sinh của thú chơi đĩa than. “Cách đây vài năm, dân chơi đĩa than chủ yếu nghe đĩa cũ hoặc nhạc ngoại bởi Việt Nam gần đây không sản xuất đĩa mới. Đôi khi tôi thèm ghê gớm cảm giác được nghe các ca khúc nhạc Việt qua đĩa than. Hồi Mỹ Linh dũng cảm phát hành đĩa than, tôi mừng và phục lắm vì cô ấy biết là rất khó khăn và chắc chắn lỗ mà vẫn làm. Thế nhưng hiệu ứng trong cộng đồng chơi đĩa than mạnh mẽ lắm nên tôi yên tâm hẳn. Giờ tôi mới mạnh dạn sản xuất đĩa Nguyễn Ánh 9 – Lặng lẽ tiếng dương cầm đó chứ. Nghe nhạc công phu mà chọn người hát để sản xuất đĩa này cũng công phu lắm, tôi phải mời rất nhiều người tới “hát thử” xem họ có phù hợp với đĩa than hay không mới dám mời cộng tác trong đĩa này đấy. Những ca sĩ thể hiện trong album này bao gồm: Nguyên Thảo, Trọng Bắc, Hương Giang, Huyền Diệu…”

Người chơi bắt đầu hồi sinh, nhà sản xuất bắt đầu tin tưởng vào thị trường và sản xuất đĩa, với những ai đam mê âm thanh và là tín đồ của đĩa than hẳn sẽ có lý do để vui mừng. Với cá nhân người viết, rõ ràng đĩa than vẫn mang lại cho người nghe những âm thanh sinh động mà đầu đọc CD chất lượng khá, thậm chí chất lượng cao vẫn không thể làm được. Ngoài ra, với việc “nhạc trí” của người Việt đang dần được nâng cao, nhu cầu về những sản phẩm âm nhạc chất lượng như đĩa than đã và đang làm được cũng dần phát triển mạnh. Do đó, niềm tin về sự hồi sinh này hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết…

Phan Anh