Dịp AV Show Tp.HCM 2015, đại diện Nordost, ông Bjorn Bengtsson đã tiết lộ tuyệt chiêu về set-up loa cho dàn âm thanh hay, nhằm tối ưu khả năng trình diễn của hệ thống âm thanh 2 kênh.

1. Đôi nét về Mr. Bjorn Bengtsson

Bjorn đến với ngành công nghiệp hi-end xuất phát từ niềm đam mê âm thanh. Là một kỹ sư cơ khí, ông có niềm đam mê rất lớn với các thiết bị audio, trước đây, ông đã từng dành hết tiền bạc và thời gian để mở cửa hàng âm thanh của riêng mình.

Một khoảng thời gian sau, ông gia nhập hãng Primare Audio, thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển. Và sau 5 năm làm việc tại Primare, ông đã chọn điểm dừng chân tại gia đình Nordost cho đến ngày hôm nay. Ông được đào tạo qua các lớp học chuyên môn về kỹ thuật set-up hệ thống âm thanh nghe nhạc, xem phim và những kiến thức về hình ảnh.

Tại AV Show 2015, nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến về đề set-up phòng nghe và cân chỉnh vị trí tối ưu cho loa nên đã ông đã quyết định cùng với đơn vị Hifiworld tổ chức một buổi thảo luận về đề tài này ngay tại showroom. Bjorn là người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu Nordost do khả năng giới thiệu các phối ghép sử dụng dây dẫn của hãng rất rõ ràng và hiệu quả.

Ông còn được mệnh danh là “phù thủy” âm thanh với khả năng cân chỉnh hệ thống âm thanh và được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông đã đến Việt Nam rất nhiều lần và tham gia nhiều buổi tọa đàm xoay quanh các sản phẩm mới, công nghệ, kỹ thuật của Nordost.

Mr. Bjorn Bengtsson
Mr. Bjorn Bengtsson

2. Sự quan trọng của phòng nghe đối với một dàn âm thanh hay

Phòng nghe là một yếu tố rất quan trọng đối với một hệ thống âm thanh và đây là tham số khó có thể thay đổi so với các thiết bị chủ động và thụ động trong bộ dàn. Việc hiệu chỉnh hệ thống âm thanh cho phù hợp phòng nghe là câu chuyện mà rất nhiều audiophile quan tâm.

Chúng ta không chỉ nghe âm thanh trực tiếp từ các thùng loa mà còn nhận được các âm thanh phản hồi từ phòng nghe, chính âm thanh phản hồi này tạo cảm giác “live” khi nghe nhưng nếu không được thiết lập đúng thì sự phản hồi và cộng hưởng này sẽ “tàn phá” tổng thể màn trình diễn. Một thiết bị âm thanh cao cấp nếu đặt trong căn phòng có setup dở thì sẽ không khác gì thiết bị audio bình dân.

Theo David Wilson – chủ hãng Wilson Audio, nếu đo đạc một hệ thống âm thanh với tín hiệu gốc thì loa và phòng nghe là nơi có sai số lớn nhất và khó kiểm soát nhất so với các thiết bị hay dây dẫn khác.

3. Mr. Bjorn đã đưa ra những phương pháp hiệu chỉnh nào cho loa và phòng nghe?

Do phòng nghe gần như là bất biến nên chúng ta chỉ có thể hiệu chỉnh vị trí loa để được sự thỏa hiệp tối ưu giữa loa và phòng nghe. Ông Bjorn đã đưa ra 2 phương pháp hiệu chỉnh loa như sau.

Dùng công thức tính toán để chọn vị trí loa

Nếu cần thiết lập một cách nhanh chóng và tương đối thì giải pháp này khá thuận tiện và dễ hiểu. Chúng ta sẽ phân ra 2 cách tính cho loa bookself và loa cột.

Đầu tiên, ta có một công thức chung : Yx2 = X+Z

Đối với loa cột lúc này:

+ X: khoảng cách từ tâm mũi loa trầm tới sàn nhà. Trong trường hợp loa có nhiều củ bass thì lấy của bass ở gần với sàn nhà nhất.

+ Y: khoảng cách từ tâm loa trầm đến tường bên hông

+ Z: Khoảng cách từ tâm loa trầm đến tường sau lưng.

Hãy lấy một ví dụ: Nếu khoảng cách loa trầm với sàn (X) là 75cm và với tường sau (Z) là 60cm thì ta dễ dàng tính được khoảng cách tường hông (Y) là 67,5cm (135/2).

Đối với loa bookself thì khoảng cách X,Y,Z có phần thay đổi, mặc dù công thức vẫn như trên:

+ X sẽ là khoảng cách từ tâm loa trầm đến tường hông.

+ Y sẽ là khoảng cách từ tâm loa trầm tới sàn nhà.

+ Z sẽ là khoảng cách từ tâm loa trầm đến tường sau.

Dùng giọng nói để xác định vị trí loa

Phương pháp tính toán có phần dễ thực hiện và áp dụng chỉ bằng phép đo đạc, nhân chia mà không cần nghe, tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm của nó.

Vấn đề là các công thức tính toán này dựa vào các điều kiện hoàn hảo, nghĩa là loa có đáp tuyến cực phẳng, phòng ốc không có đồ đạc, các góc tường vuông và phẳng hoàn toàn. Nhưng thực tế thì khó có thể đạt được tiêu chí như vậy.

Do đó, phương pháp “Giọng nói trong phòng” sẽ cho kết quả chính xác hơn. Việc di chuyển loa từng centimet là rất quan trọng để tối ưu hệ thống trong phương pháp này, do đó, ta cần một số công cụ như thước kẻ, băng dán đánh dấu, bút, ni-vô cân bằng.

 
 
 
Phân chia phòng nghe và xác định đường gióng của loa

Để bắt đầu thực hiện bạn sẽ cần phải dọn dẹp hệ thống âm thanh để kẻ vạch trong phòng nghe. Đầu tiên là chia phòng làm 3 phần đều nhau theo phương nằm ngang với vị trí nghe.

Ta sẽ có 2 đường chỉ cắt ngang, 1 đường sẽ xác định vị trí nghe, đường còn lại sẽ xác định vị trí đặt loa. Thông thường vị trí ngồi nghe sẽ nằm giữa đường vạch ngang thứ nhất.

Bước tiếp theo là xác định đường gióng giữa 2 loa cho dàn âm thanh, theo Bjorn hướng dẫn thì đường này rất quan trọng trong cân chỉnh âm hình cân bằng, vì mỗi vách phòng sẽ có mức cộng hưởng khác nhau do đồ đạc hay vách tường không cân xứng. Thêm vào đó, để có thể hiệu chỉnh vị trí loa một cách chính xác và dễ kiểm soát, ông đã làm thêm 2 dải thước dọc theo 2 bên loa.

Xác định vị trí vùng đặt loa cho dàn âm thanh tốt nhất

Sau khi các vạch thước được dán dưới sàn hoàn tất, ông bắt đầu thực hiện việc xác định vùng đặt loa. Ở bước này cần một người hỗ trợ. Bạn sẽ ngồi tại vị trí nghe, và người hỗ trợ sẽ đứng sát tường sau loa và cách tường hông khoảng cách 1/5 chiều dài tường sau.

Người hỗ trợ sẽ bắt đầu nói, ngay tại vị trí sát tường sau, bạn sẽ nghe thấy giọng nói của anh ta có phần dầy và ồm ồm. Người này sẽ tiếp tục tiến thẳng lên, trong quá trình này bạn sẽ dần cảm thấy giọng nói có phần trong và rõ ràng hơn, khi tới vị trí giọng nói phát ra rõ ràng nhất thì đánh dấu bằng một dải băng keo cắt ngang hướng đi của người hỗ trợ.

Sau khi đánh dấu, người hỗ trợ sẽ tiếp tục di chuyển và nói cho đến khi giọng nói có phần bị rỗng và vang, các chi tiết, mức rõ ràng của giọng nói bị mất thì bạn lại đánh dấu tiếp một dải băng thứ 2.

Tiếp theo, người hỗ trợ sẽ đứng giữa 2 dải băng và di chuyển qua lại theo chiều ngang phòng và bạn sẽ tiếp tục nghe giọng nói tương tự như trên để xác định thêm 2 dải băng.

Sau khi hoàn tất, 4 dải băng keo sẽ xác định cho bạn một hình hộp chữ nhật được gọi là “vùng tốt” để đặt loa. Nếu phòng bạn không quá mất cân bằng bạn có thể tạo được “vùng tốt” đối xứng qua đường gióng giữa 2 loa.

Tiến hành đặt loa vào “vùng tốt” và hiệu chỉnh

Bạn sẽ đặt loa vào “vùng tốt” và bắt đầu bước hiệu chỉnh chi tiết hơn, tại vị trí này sẽ hiệu chỉnh âm trầm sao cho nó ít bị cộng hưởng nhất trong phòng. Theo như tư vấn của Bjorn, bạn sẽ cần chọn một bản nhạc có ít nhạc cụ, tốt nhất là đàn contrabass cùng với giọng hát, ông thường sử dụng bản nhạc “Ballad of the runaway hourse” của Jennifer Warnes để kiểm định âm thanh.

Trong bản nhạc này bạn cần chú ý tiếng contra bass, vị trí loa tốt sẽ được hiệu chỉnh lên xuống mỗi lần khoảng 5-10 cm sao cho âm contra bass được rõ ràng, không bị nhòe cộng hưởng thùng đàn, các tiếng gẩy dây đàn phải được sắc nét. Đối với các phòng có kích thước nhỏ khoảng từ 3m đổ lại thì việc di chuyển sẽ được chia nhỏ hơn, giao động từ 2-3 cm.

 
Hiệu chỉnh góc loa để đạt âm thanh hay nhất

Sau khi xác định được vị trí tối ưu cho dải trầm bạn sẽ cần phải hiệu chỉnh về góc loa. Thông thường góc loa càng bẻ sâu hướng vào người nghe thì phần trung âm giọng hát sẽ sắc nét hơn, độ tập trung định vị rõ ràng hơn nhưng cũng kèm theo là dải cao sẽ có phần gắt chói hơn.

Bạn cần phải hiệu chỉnh góc mở nhiều ít tùy theo từng hệ thống sao cho giữ được độ tập trung, âm hình rõ ràng mà không bị chói gắt. Bên cạnh đó khi chỉnh góc bạn cần chú ý vị trí giọng hát cần phải nằm ngay giữa hệ thống. Có thể các loa cần góc bẻ khác nhau do phòng không cân xứng.

Đến đây, công việc thiết lập gần như hoàn tất, chỉ còn bước cuối là dùng ni-vô để cân bằng chân đinh của loa theo phương ngang để âm hình được rõ ràng, tiếng trầm được thể hiện chặt chẽ hơn.

4. Kết luận

Với những hướng dẫn của “phù thuỷ” Bjorn Bengtsson, bạn có thể ứng dụng ngay với hệ thống âm thanh của mình. Đương nhiên, hiệu quả set-up theo phương pháp này sẽ càng tối ưu khi bạn có được một đôi tai nhạy.

Và theo chúng tôi, độ nhạy của tai không phải là một biệt tài mà đó là một kỹ năng, đòi hỏi quá trình luyện nghe. Nghe nhạc playback và cả các buổi trình diễn live càng nhiều sẽ giúp bạn cải thiện được độ nhạy kiểm âm của mình.

 

Nguồn: Vidia shop