Trong thế giới hi-end, đã nói tới loa thường nghĩ đến châu Âu trước tiên. Các nhà sản xuất loa của Mỹ và Nhật Bản thường đi đầu trong đẳng cấp hi-fi nhưng ở mức độ cao hơn thì danh tiếng vẫn thuộc về cựu lục địa. Nói đến loa hi-end, trước tiên người ta sẽ nghĩ tới Anh Quốc, nơi sản sinh ra những thương hiệu nổi tiếng như Tannoy, ProAC, BW, Spendor… Sau đó là Pháp với Focal, Cabasse, BC Acoustique, J.M Reynaud… Một vài thương hiệu Ðức cũng được ghi nhận ở đẳng cấp cao như Elac, Avant – Garde… Thụy Sĩ có Goldmun, Hà Lan có Final, còn Ý thì nhiều hãng đã đi vào huyền thoại: Sonus Faber, Chario, Diapason…  Có thể thấy, với rất nhiều thương hiệu, người dùng sẽ có không ít lựa chọn để tìm về cho mình một cặp loa thực sự đẳng cấp.
Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị 5 cặp loa đáng mua nhất trong tầm giá hi-end. Những cặp loa này, có mẫu thuộc loại đầu bảng của một dòng sản phẩm, có mẫu chỉ là sơ nhập cho phân khúc cao cấp của hãng, nhưng tựu chung lại đều rất đáng để mua, để thử nếu quý vị và các bạn muốn biết trải nghiệm hi-end thật sự là như thế nào.

1. Loa Sonus Faber Olympica III

Loa Sonus Faber Olympica III

Olympica III là mẫu loa cao cấp nhất trong dòng loa Olympica của hãng loa Ý Sonus Faber. Cặp loa được đặt theo tên của nhà hát Olympic ở Vincenza, do kiến trúc sư người Ý Andrea Palladio thiết kế và xây dựng vào những năm 1580 – 1585. Với cái tên này, dường như các kỹ sư từ Sonus Faber mong muốn rằng Olympica sẽ là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật, vừa có thể trường tồn với thời gian.
Là loa ba đường tiếng, Olympica III sở hữu tổng cộng bốn củ loa, phía trên cùng là củ loa tweeter 29XTR2 DAD Arrow Point đường kính 29 mm, ở dưới là củ loa midrange M15XTR đường kính 150 mm, dưới cùng là hai củ loa woofer W18XTR với kích thước có phần hơi khiêm tốn, đường kính chỉ ở mức 180 mm.
Cụm từ DAD ở tên của loa tweeter có nghĩa là Damped Apex Dome. Theo các kỹ sư của Sonus Faber, bằng cách kết hợp giữa tweeter vòm lụa truyền thống với một vòng bức xạ, họ có thể ngăn cộng hưởng và kéo các chuyển động ngược pha tại đỉnh vòm bằng cách làm giảm rung màng loa. Giải pháp này giúp gia tăng đáng kể các ưu điểm của màng loa vòm, đồng thời loại bỏ sự chói gắt đặc trưng của loa tweeter vòm mềm khi chơi ở các dải âm rất cao do màng loa vòm thường khá mỏng.

Thiết kế cho vỏ thùng của Olympica III chính là sự kết hợp giữa thiết kế quen thuộc theo hình dáng của đàn luýt, vốn được Sonus Faber sử dụng trên khá nhiều sản phẩm trước đó, với thiết kế hình cây đàn Lia của loa Aida khiến hai cạnh đáy trở nên bất đối xứng. Với thiết kế này, công nghệ Stealth Ultrareflex System có thể áp dụng được cho loa cỡ nhỏ như Olympica III. Với công nghệ này, ống thoát hơi được đặt về phía sau, được ép thêm viền nhôm chắc chắn, kết hợp cùng tính toán về hình dạng và kích thước giúp kiểm soát tốt hơn dòng không khí được đẩy ra khi loa hoạt động, giảm thiểu tối đa những bất ổn của loa khi hoạt động có thể dẫn tới méo tiếng.
Với độ nhạy ở mức tiêu chuẩn 90dB, Sonus Faber cho biết người sử dụng phối ghép cùng loa một dàn ampli với công suất đầu ra không quá cao, chỉ cần từ 50 đến 300watt cho mức trở kháng 4 Ohm là đủ.

2. Loa Chario Ursa Major

Loa Chario Ursa Major

Cũng đến từ nước Ý, cặp loa Ursa Major là mẫu loa đầu bảng của dòng loa Constellation, một thời từng là dòng loa cao cấp chỉ sau dòng Academy S. Ursa Major sở hữu kích thước khá lớn và có thùng loa làm từ vật liệu HDF và gỗ óc chó để đảm bảo độ bền thiết bị cũng như khả năng chống rung trong khi chơi nhạc. Loa được thiết kế 4 đường tiếng và chia làm hai khoang. Hệ thống củ loa gồm có 5 củ loa con: 1 loa tweeter, 1 loa midrange, 1 loa woofer và 2 loa subwoofer. Phần khoang trên của thùng loa chứa của loa tweeter, loa midrange và loa woofer trong khi thùng loa dưới chứa hai loa subwoofer còn lại.
Các củ loa của Ursa Major đều do công ty hàng đầu của Ý, Ciare sản xuất, đảm bảo mang đến một sản phẩm 100% Italia. Dải tần từ 1450Hz – 20kHZ sẽ do củ loa tweeter đường kính 38mm đảm nhiêm. Củ loa này có màng loa dome được làm từ vật liệu mềm, đặc biệt nó sử dụng công nghệ hướng sóng T38 nổi tiếng của Chario. Công nghệ này góp phần giúp dải tần của loa tweeter cao hơn độ động của loa cũng tốt hơn rất nhiều. Củ loa woofer mà midrange đều có màng loa được làm từ giấy, cho chất âm tự nhiên và ấm.

Tuy nhiên, để tái tạo được dải âm trung tốt hơn thì củ loa midrange còn có thêm phần rốn loa hình viên đạn, trong khi đó củ loa woofer thì có màng loa hình cầu lõm. Toàn bộ dải siêu trầm từ 35Hz – 280Hz đều được thể hiện bởi 2 củ loa subwoofer bố trí ở khoang dưới của thùng loa mang thiết kế hướng xuống sàn nhà, một thiết kế rất đặc trưng thường xuất hiện ở các loa sàn của Chario. Hai củ loa này có đường kính 160mm và màng loa được làm từ polymeric, một loại hợp chất polymer đặc biệt. Với 2 củ loa này, bạn sẽ không cần phải bổ sung thêm loa subwoofer cho bộ dàn mà vẫn có được âm trầm như mong đợi.
Tuy là một bộ loa cỡ lớn, Chario Ursa Major lại rất phù hợp với phòng nghe nhạc có kích thước vừa phải, thậm chí cả những căn phòng không được thiết kế đặc biệt để thực hiện chức năng nghe nhạc. Theo khuyến cáo của Chario, diện tích của phòng sử dụng loa Ursa Major nên nằm ở phạm vi từ 16 đến 40m2. Thiết bị không kén chọn ampli, có thể phối ghép với nhiều loại từ ampli đèn cho đến ampli bán dẫn, với công suất ở mức 30-45 watt cho mỗi kênh, trở kháng 4 ohm để có thể khai thác hết khả năng của loa.

3. Loa B&W 804 D3

Loa B&W 804 D3

Cặp loa 804 D3 đến từ nước Anh sở hữu phong cách thiết kế khá điển hình của dòng sản phẩm cao cấp 800 series. Tất nhiên, cặp loa vẫn sở hữu những nét khác biệt. Nếu như các mẫu loa 800, 802 và 803 D3 có thùng loa uốn cong ở mặt trước, hơi phẳng ở mặt sau thì thiết kế của 804 D3 lại ngược lại, khiến thùng loa trông truyền thống hơn nhiều. Tất nhiên, hệ thống khung giằng Matrix thế hệ mới, có tác dụng như bộ khung xương để tăng độ vững chắc của loa B&W vẫn được giữ nguyên.
Là loa ba đường tiếng, 804 D3 sở hữu 4 củ loa tất cả. Ở trên cùng là loa tweeter với màng loa 25mm được tráng một lớp kim cương, đặt bên trong ống thuôn đặc trưng, có tác dụng hấp thụ hoàn toàn các sóng âm gây ra bởi chuyển động của màng loa. Để hiệu quả đạt được cao hơn, các ống loa tweeter còn được làm bằng aluminum, khối lượng rất nhẹ nhưng cực kỳ cứng chắc, bảo vệ loa khỏi những tác động tiêu cực của cộng hưởng sinh ra từ thùng loa phía dưới.
Củ loa đầu tiên ở khoang bên dưới là loa midrange, đường kính màng loa là 130mm, nhỏ hơn so với loa midrange của 800 D3 và 802 D3. Chất liệu Continuum được sử dụng để thay thế Kevlar khiến màng nón loa midrange màu vàng cũ biến mất, thay vào đó là màng nón màu bạc. Không chỉ thay màu cho loa midrange, Continuum còn có độ cứng vượt trội giúp cho màng loa hoạt động với độ ổn định cao trong mọi điều kiện, giảm thiểu nhiễu động và méo tiếng. Thêm vào đó, nhờ khối lượng nhẹ hơn đáng kể so với màng Kevlar, màng loa mới Continuum sẽ có được tốc độ tốt hơn hẳn, giúp loa có được độ động cao cũng như các dải trung-trầm sẽ có sự liền lạc hơn với dải cao bởi tốc độ các củ loa sẽ ít chênh lệch hơn.

Phía dưới loa midrange, người dùng sẽ tìm thấy hai loa woofer đường kính 165mm. Màng loa được thiết kế theo kết cấu Aerofoil (cánh máy bay), có độ dày khác nhau: mỏng ở vị trí sát cuộn dây âm, dày dần lên khi hướng ra ngoài và lại trở nên mỏng ở viền. Kết cấu này giúp chi tiết cứng hơn, nhưng nhẹ hơn, đảm bảo dải trầm chắc, khỏe, uy lực nhưng cũng rất nhanh và chính xác.
Loa có cấu tạo thùng hở với một cổng bass phản xạ ở mặt trước. Lỗ thoát hơi này có bề mặt được thiết kế giống với bề mặt quả bóng golf, giúp kiểm soát tốt hơn luồng không khí đi qua, giảm những tiếng ồn phát sinh do chuyển động nhanh của luồng không khí này. Đồng thời, việc đặt lỗ thoát hơi ở mặt trước cũng khiến 804 D3 phù hợp với những gian phòng nhỏ gọn hơn, tiết kiệm diện tích hơn do có thể đặt sát tường hay trong góc.
804 D3 sở hữu độ nhạy thấp hơn một chút so với các mẫu loa sàn khác, chỉ 89dB. Bù lại, công suất ampli mà bộ loa này yêu cầu cũng thấp hơn. Ở độ nhạy 8 Ohm, bộ loa này chỉ yêu cầu ampli công suất tối thiểu là 50 watt và tối đa là 200 watt, một con số khá thân thiện với đại đa số người sử dụng hiện nay.

4. Loa AudioSolution Figaro XL

Loa AudioSolution Figaro XL

To và đồ sộ, đó là những ấn tượng đầu tiên mà người dùng cảm nhận được khi lần đầu trải nghiệm cặp loa đến từ Lithuania này. Mỗi cây loa sở hữu kích thước chiều cao1748mm, chiều dài 356mm và chiều rộng 618mm, cân nặng 105kg. Điều đó khiến cặp loa khá bệ vệ, gần như thống trị hoàn toàn trong không gian nghe nhạc của các audiophile.
Figaro XL là bộ loa sở hữu nhiều củ loa nhất của dòng Figaro. Sử dụng cấu trúc 3 đường tiếng, bộ loa này có 7 củ loa tất cả, chia thành ba phần. Phần giữa là củ loa dome tweeter màng lụa 2.5cm, phía trên và phía dưới củ loa tweeter là hai củ loa cone midrange màng giấy 15.2cm. Trên cùng và dưới cùng là bốn củ loa cone woofer màng giấy, đường kính 23.3cm. Tần số cắt của loa nằm ở các dải 400Hz và 4000Hz giống như Figaro S, Figaro M và Figaro L.
Ở dòng Figaro, kỹ thuật làm họng kèn mini cho loa tweeter từ dòng Overture lại được áp dụng để giảm tối đa độ méo hài tổng, đồng thời thể hiện tốt các âm treble khi tăng âm lượng lên thật lớn (khoảng 100dB). Ngoài ra, màng loa tweeter cũng được làm nhỏ hơn bình thường để có được tốc độ đáp ứng nhanh hơn. Nhìn chung, màng củ loa này rất nhẹ, có tốc độ cao, giảm rung chấn tốt nên kết quả mang lại là dải âm cao rõ hơn, sắc sảo hơn mà không hề chói gắt.

Đối với Figaro XL, hãng sử dụng nhiều lớp gỗ MDF cao cấp với độ dày khác nhau xếp thành cấu trúc sandwich để làm vách thùng loa, độ dày dao động từ 18mm đến 50mm tùy từng vị trí. Kết hợp với kỹ thuật khớp tự khóa, các lớp gỗ này có thể hoạt động như một thể thống nhất giống thùng loa làm từ gỗ nguyên khối mà không cần dùng keo. Thùng loa rất vững chãi, gần như không một chút rung động khi đang chơi Đồng thời, vành nón của củ loa woofer và củ loa midrange được làm bằng vật liệu giấy ER (extra rigid) đảm bảo tốc độ phản hồi nhanh, âm sắc rõ ràng. Nhờ sự kết hợp này mà Figaro L có thể loại bỏ được những rung chấn nội tại phát sinh trong thùng loa, do đó loa gần như không có tiếng thùng, giảm thiểu hiện tượng cộng hưởng âm tiêu cực, đảm bảo mang đến âm bass uy lực và sâu hơn.
Là loa ba đường tiếng, thế nhưng kết cấu bộ phân tần của Figaro XL không quá phức tạp, nhưng sự đơn giản ấy không đánh đổi lấy chất lượng âm thanh. Các linh kiện dùng cho bộ phân tần đều là những linh kiện cao cấp của Jantzen. Sự đẳng cấp còn thể hiện ở bộ cọc loa WBT Nextgen đằng sau loa, đảm bảo cho kết nối tốt nhất có thể.

5. Loa Focal Kanta 2

Loa Focal Kanta 2

Xuất hiện chính thức kể từ cuối năm 2017, Kanta 2 chính là sản phẩm cao cấp đứng sau dòng hi-end Sopra và ngay trên dòng Electra. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cặp loa này đã toát lên những nét quen thuộc của một sản phẩm Focal cao cấp với những đường uốn cong đầy nghệ thuật ở thân loa. Với màu sắc tươi tắn cùng nhiều màu sơn bóng hoàn thiện cho loa để người dùng lựa chọn, có thể thấy Focal vẫn rất chú trọng về mặt ngoại hình cho sản phẩm của mình.
Focal Kanta 2 sử dụng bốn củ loa, trong đó có một củ loa tweeter, một củ loa midrange và hai củ loa woofer. Đáp tuyến tần số của loa kéo dài từ 35Hz đến 40kHz, cắt tần ở các dải 260Hz và 2700Hz.
Củ loa tweeter của Focal Kanta 2 mang dạng vòm ngược (inverted tweeter), đường kính 27mm, màng loa làm bằng chất liệu Beryllium vốn có khối lượng nhẹ, tốc độ dải âm khá cao trong khi hệ số biến dạng thấp, đồng thời không bị nhiễm từ nên rất thích hợp để làm màng loa cao cấp. Củ loa tweeter vốn là củ loa IAL3, kết hợp giữa công nghệ  IAL và IHL. Với hai công nghệ này, vật liệu giảm chấn sẽ được đặt ở khoang rỗng đằng sau củ loa tweeter nhằm hấp thụ một phần sóng âm phát ra, tránh hiện tượng nén khí. Nhờ vậy, loa tweeter IAL3 có thể đánh được cả những dải âm thấp hơn hẳn so với  loa tweeter thông thường, đồng thời mức độ méo tiếng cũng bị hạn chế một cách hiệu quả.

Củ loa midrange và hai củ loa woofer đều mang đường kính 165mm. Lần đầu tiên, Focal không áp dụng màng loa nón W cho sản phẩm của mình nữa mà thay bằng một loại màng loa mới hoàn toàn: Flax. Flax là loại nón loa sợi lanh được phát triển riêng bởi Focal, nó có cấu trúc dạng sandwich bởi sợi lanh phối hợp với 2 lớp sợi thủy tinh. Cấu tạo này tạo ra loại màng loa có độ cứng và độ bền rất cao nhưng lại có trọng lượng nhẹ, giúp vừa duy trì sự ổn định, chính xác trong quá trình hoạt động, vừa đảm bảo được tốc độ cao nhất cho hành trình của củ loa.
Ngoài ra, hệ thống treo kháng chấn TMD (Tune Mass Damping ) cũng được sử dụng cho các củ loa midrange và woofer của Kanta 2. TMD thực chất vốn là hai chiếc vòng hình ống trên hệ thống treo lắp quanh nắp chống bụi, có kích thước và vị trí được tính toán cẩn thận để ổn định độ động dựa vào cộng hưởng, do đó có thể ngăn màng nón biến dạng mà không làm ảnh hưởng đến độ động của củ loa. Theo Focal, TMD cung cấp khả năng đáp ứng tần số tuyến tính trong khoảng từ 1kHz đến 4kHz, đồng thời đem đến những dải trung có độ trung tính cao. Đồng thời, motor cũng được sử dụng cho cả ba củ loa này để đem lại độ chính xác về mặt âm học cho loa.
Ở cả mặt trước và mặt sau của Kanta 2 đều có một cổng bass phản xạ khá lớn. Nhờ hai cổng bass này, loa có thể chơi những dải âm rất trầm, xuống tới 35Hz mà không cần sự trợ giúp của một loa subwoofer riêng.

Nguồn: Tapchihifi