Những ai ưa thích âm thanh đầy đặn, trong trẻo, tự nhiên thì Nordost là một lựa chọn cho các thiết bị nguồn điện cũng như dây dẫn.

Tuy nhiên, muốn sử dụng thiết bị hay dây dẫn của Nordost cũng phải tuân theo một số nguyên tắc cũng như các nguyên lý cơ bản về kỹ thuật chung (không riêng cho bất cứ một thiết bị nào). Sử dụng sai nguyên tắc về kỹ thuật có thể nhận được kết quả xấu khi dùng Nordost.

 

Trước khi tìm hiểu chi tiết về cách sử dụng thiết bị Nordost trong hệ thống audio, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm cơ bản về âm thanh cũng như kỹ thuật thiết bị vì thiết bị của Nordost được chế tạo theo hướng xử lý những vấn đề khoa học kỹ thuật cơ bản để đạt hiệu quả cao nhất cho truyền dẫn cũng như tái tạo âm thanh.

1. Âm thanh

Âm thanh là tổ hợp các sóng cơ học có các tần số dao động khác nhau được truyền trong môi trường vật chất như không khí, chất lỏng và chất rắn.

Hài âm hay bồi âm, hoạ âm, là những cách gọi khác nhau của Harmonic, là những sóng âm có tần số dao động là bội số nguyên của tần số sóng âm chính. Các âm thanh phát ra từ nhạc cụ hoặc giọng hát không chỉ là các đơn âm mà chúng là tổ hợp gồm âm chính và nhiều hài âm kết hợp vào nhau. Tùy thuộc vào cấu tạo của nguồn phát ra âm thanh mà các âm chính và hài âm hòa quyện tạo ra những âm có màu sắc đặc trưng với từng loại nhạc cụ, giọng hát hay giọng nói.

* Hài âm có năng lượng thấp hơn so với âm chính, hài âm bậc càng cao thì năng lượng càng thấp.

2. Khuếch đại âm tần và truyền dẫn tín hiệu:

Âm thanh với các tần số và cường độ khác nhau được chuyển đổi thành tín hiệu điện với tần số và cường độ tương ứng (dùng kỹ thuật tương tự – analogue).

Âm ly là thiết bị điện dùng để khuếch đại tín hiệu âm tần. Loa chuyển tín hiệu điện thành dao động cơ học trên màng loa và thùng loa, tái tạo lại âm thanh từ tín hiệu điện đã được khuếch đại.

Dây dẫn gồm 2 loại chính gồm dây dẫn điện, và dây dẫn tín hiệu âm thanh.
Dây dẫn không trực tiếp tham gia vào quá trình khuếch đại, bên cạnh đó quá trình truyền dẫn qua dây dẫn sẽ luôn có suy hao tín hiệu do trở kháng và cấu tạo vật lý. Phần lớn dây dẫn không truyền tải được tần số cao nên gây thất thoát âm cao và các hài âm của âm thấp.

Về truyền dẫn năng lượng, một sợi dây cáp đồng 1.0mm2 có thể chịu tải 1700W cho chiều dài lên đến 30m, nên gần như chúng ta không cần quá lo lắng về dây điện to hay bé, vì dây Nordost bé nhất cũng có tiết diện 1.3mm2.

* Tuy nhiên, vì các âm ly công suất lớn thường “đói” công suất cho các cuộn dây dự trữ năng lượng cần cho âm thấp với mức độ đáp ứng tức thì, Nordost không khuyến khích sử dụng dây điện Purple Flare/BlueHeaven/Heimdall (tiết diện 1.3mm2) cho âm ly công suất lớn. Thay vào đó, nên sử dụng các dây điện khác như RedDawn/Frey… với tổng tiết diện 2.0mm2 trở lên.

3. Nhiễu trong thiết bị điện:

Nhiễu có thể xuất hiện do lan truyền theo dây điện hoặc do phát sinh nội tại của thiết bị, hoặc do các yếu tố khác.

Để có thể nghe được âm thanh một cách chi tiết, rõ nét thì năng lượng của âm đó phải lớn hơn năng lượng của nhiễu âm. Âm cao hoặc các hài âm bậc cao vốn có năng lượng thấp và rất thấp thì sẽ dễ bị lẫn với nhiễu nên tai khó phân biệt.
Độ động (dynamic) của một thiết bị hay hệ thống âm thanh thể hiện rõ rệt khi thiết bị hay hệ thống đó mô phòng lại một âm thanh có cường độ từ thấp đến cao.
Tỷ lệ giữa âm thanh có độ nhạy hay cường độ nhỏ nhất với âm thanh có cường độ lớn nhất mà thiết bị hay hệ thống đó có thể tái tạo gọi là ngưỡng độ động (dynamic range) của thiết bị (hệ thống) đó, thường dynamic range sẽ được đo bằng đơn vị decibel dB. Hệ thống càng tốt, độ động càng cao, mức độ tái tạo âm thanh càng chi tiết, rõ nét và trung thực.

Các linh kiện điện tử khi hoạt động đều phát sinh ra nhiễu, được gọi là ồn nền (noise floor). Nói một cách dễ hiểu hơn là bất kỳ thiết bị nào chạy bằng điện đều có ồn nền.

Nhiễu do nguồn điện là lớn nhất. Nhiễu do nội tại thiết bị có mức độ thấp hơn.

 

 

4. Phòng nghe:

Âm thanh là sóng cơ học, các sóng âm khi phát ra trong phòng gặp các vách tường sẽ tạo nên các phản xạ. Âm thanh từ hệ thống loa đến tai người sẽ nghe là sự kết hợp bao gồm âm thanh trực tiếp từ loa và các âm phản xạ. Âm thanh phản xạ đến tai người nghe từ nhiều góc khác nhau với cường độ khác nhau và thời gian đến tai khác nhau.
Các hướng phản xạ cơ bản sẽ đến từ tường 2 bên loa, tường sau lưng loa, tường sau lưng người nghe, sàn nhà và trần.
Âm thanh phản xạ quá lớn sẽ ảnh hưởng đến độ rõ nét của âm thanh chính trực tiếp từ hệ thống.
Các chi tiết nhỏ, hài âm bậc cao và độ động của hệ thống đều bị ảnh hưởng bởi các âm phản xạ dẫn đến việc nghe bị mờ, thiếu rõ nét và ồn.

Ngoài ra, tiếng ồn nền hay độ tĩnh của phòng cũng có thể làm ảnh hưởng đến các chi tiết âm thanh nhỏ.

Ví dụ: nghe nhạc vào giấc khuya khi không gian yên ắng sẽ có thể nghe rõ bản nhạc, nghe rõ những nốt nhạc mà ban ngày không nghe thấy, mặc dù mức âm lượng có thể thấp hơn ban ngày.
(Tương tự với nhiễu điện, nhiễu điện cũng giống như tiếng ồn trong phòng)

 

 

5. Tổng quan hệ thống – “Có bột mới gột nên hồ”

Một hệ thống dùng để nghe nhạc sẽ gồm có thiết bị nguồn phát (đầu CD / DAC, mâm đĩa than, đầu băng, hệ thống chứa file streaming / máy tính..), âm ly khuếch đại âm tần, loa. Ở đây sẽ không xét đến nguồn chứa như LP, CD, băng, file nhạc…, chúng ta chỉ đề cập về thiết bị.

Tất cả tín hiệu nhạc mà chúng ta nghe được từ hệ thống nghe nhạc đều bắt đầu do thiết bị nguồn phát tái tạo ra (từ các nguồn chứa như CD / LP / băng / file). Qua mỗi công đoạn tái tạo âm thanh sau đó (âm ly, loa) thì chỉ có mất bớt tín hiệu mà không thể có nhiều hơn. Cho nên, những gì mà thiết bị nguồn phát tái tạo được để truyền ra âm ly là tất cả thông tin về âm nhạc mà chúng ta có thể có từ loa. Và dĩ nhiên là âm ly cũng sẽ nhận cả nhiễu của thiết bị nguồn phát; âm ly không thể phân biệt tín hiệu âm nhạc với nhiễu nên sẽ khuếch đại tất cả.

Trên đường truyền dẫn, dây dẫn sẽ làm mất bớt đi tín hiệu và năng lượng dẫn đến thiết bị nhận sẽ không có đủ toàn bộ thông tin từ thiết bị phát.
Do dây không có khả năng khuếch đại, nên khi gắn bộ lọc trên dây dẫn thì đơn thuần chỉ là cắt bớt tín hiệu do thiết bị phát hay âm ly đưa ra, nhằm hạn chế bớt âm thanh khó nghe mà ta không thể điều chỉnh được do thiết bị kém hoặc âm học phòng nghe kém.
Bộ lọc dây dẫn không có khả năng phân biệt tín hiệu âm nhạc với nhiễu, nên sẽ lọc mù theo tần số. Vậy thì không có gì bảo đảm được bộ lọc của dây không bỏ mất thông tin âm và hài âm trong tín hiệu âm nhạc được truyền dẫn trên dây.
Vả lại, dây chỉ dùng lọc thụ động nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các tần số chung quanh tần số cắt của bộ lọc, càng gần tần số cắt càng mất nhiều.

Âm ly không thể tái tạo bù những phần mà thiết bị nguồn phát không tái tạo được từ nguồn chứa hoặc mất đi do dây dẫn truyền tải đến âm ly không đủ. Âm ly chỉ nhận tín hiệu từ thiết bị nguồn phát và khuếch đại lên, truyền tải ra loa. Âm ly có thể khuếch đại nhiều hơn ở dải tần số này so với tần số khác tạo nên âm thanh không đúng với thiết bị nguồn phát đưa đến. Và dĩ nhiên là âm ly sẽ khuếch đại cả nhiễu của thiết bị nguồn phát, cộng với nhiễu phát sinh do bản thân âm ly sinh ra và đưa tất cả nhiễu này ra loa.
Loa chỉ thể hiện những gì âm ly đưa ra và cũng có thể ít hơn do dây dẫn không truyền tải đến loa không đủ, có chăng chỉ làm giảm bớt ở phần nào đó và không thể thể hiện nhiều hơn thông tin về âm nhạc mà âm ly đưa đến.

Do đó, thiết bị nguồn phát phải tốt thì chúng ta mới có được tín hiệu âm thanh tốt, âm ly tốt thì mới có sự khuếch đại mức tín hiệu âm thanh và điều khiển loa được tốt, loa tốt thì mới thể hiện được hết thông tin âm nhạc mà thiết bị nguồn phát và âm ly chuyển tải đến.
Nôm na là “có bột mới gột nên hồ”!

Vậy làm sao để bảo đảm rằng thiết bị nguồn phát tái tạo lại âm thanh tốt nhất, để cho âm ly nhận được nhiều thông tin về âm nhạc nhất và có thể hoạt động tốt nhất, để hạn chế nhiễu nhằm không mất mát thông tin về âm nhạc được tái tạo và khuếch đại..?

Ngoài việc chọn lựa khả năng của thiết bị, chúng ta phải bảo đảm cho thiết bị được hoạt động trong môi trường tốt nhất và tránh suy hao tín hiệu để có chất lượng trình diễn cao nhất. Các việc cần phải làm:
– Bảo đảm nhiễu thấp nhất, bao gồm nhiễu điện và nhiễu âm học phòng nghe.
– Bảo đảm sự truyền dẫn tín hiệu được tốt nhất – ít suy hao và suy hao đều trên mọi dải tần để bảo đảm âm thanh ít bị sai lệch so với gốc nhất, không làm mất mát âm thanh.

Để giảm nhiễu điện thì phải bảo đảm nguồn điện tốt cho hệ thống. Để giảm nhiễu âm học phòng thì phải xử lý âm học phòng nghe (bằng các thiết bị tiêu tán âm) và xác định vị trí loa.

SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ CHỐNG RUNG CỦA NORDOST

Các mối tiếp xúc truyền dẫn điện và linh kiện điện tử cần có thời gian chạy rà cùng với nhau (trong cùng hệ thống) để đạt hiệu quả âm thanh tốt nhất.
Để có thể xả nhiễu cho hệ thống thì cần phải có mát đất (ground) cho phần cung cấp điện (bên cạnh yêu cầu an toàn của hệ thống điện).

Nguồn: Audio HH