Máy ảnh không gương lật (mirrorless) đang rất thịnh hành và phát triển ở các dải phân khúc khác nhau. Không chỉ có ưu điểm nhỏ, nhẹ, các máy không gương lật cao cấp ngày nay còn có thể cạnh tranh với DSLR về chất lượng ảnh, điều mà khoảng một thập kỷ trước tưởng chừng không thể. Bài viết này cung cấp cho các bạn sơ lược về lịch sử của máy mirrorless.

Các máy ảnh tốt nhất hiện nay có thể kể đến như Sony A7 III, Nikon Z7, Canon EOS R hay Panasonic S1R. Tuy nhiên, để những flagship camera đó có được như ngày hôm nay thì không thể không kể tới hàng trăm mẫu m4/3 hay APS-C đã ra mắt trước đó. Một vài trong số đó vẫn phổ biến tới tận ngày nay và mở đường để mirrorless chiếm được cảm tình của các nhiếp ảnh gia và nhà làm phim hàng đầu.

Trong những ngày đầu, điểm yếu của máy ảnh không gương lật là quá thiếu ống kính phát triển riêng cho nó. Tuy nhiên điều đó đã thay đổi trong một vài năm trở lại đây. Sony hứa hẹn sẽ ra mắt 60 ống kính ngàm E cho các máy không gương lật dùng cảm biến APS-C và full-frame như A9 hay A7 III. Tương tự là Canon, họ nói tới cuối 2019 thì sẽ có 9 ống kính tương thích với máy EOS R và RP. Các hãng đang đặc biệt quan tâm và coi máy không gương lật là trọng tâm phát triển trong tương lai. Người dùng được hưởng lợi, còn các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp cũng sẽ nghiêm túc xem xét các mẫu không gương lật cao cấp. Bên dưới là một vài máy không gương lật khởi nguồn cho những máy mà bạn biểt ngày nay.

EPSON R-D1

Đang tải 78DB7FC7-27D0-41BE-80BF-CC83D428575F.jpeg…

Không phải Fujifilm, Sony hay Panasonic, chiếc máy không gương lật thương mại đầu tiên ra mắt là của thương hiệu Epson vào năm 2004. R-D1 là một chiếc range finder kỹ thuật số không gương lật có thể thay đổi ống kính, nó có cảm biến APS-C 6.1MP, dải ISO 200-1600 và màn hình LCD kích thước 2”5. Chiếc máy dùng ống kính ngàm M chung với Leica này có giá khi đó là 3000 USD.

LEICA M8

Đang tải CE7175A7-435C-4072-A422-77F8C4EAD70E.jpeg… 

Hai năm sau, vào 2006, Leica cũng ra mắt chiếc không gương lật có thể hoán đổi ống kính của mình là M8. Máy có cảm biến 10.3MP APS-H, ISO 800-2500 và tốc độ chụp 1/8000 giây. M8 cũng là một chiếc rangefinder với kiểu dáng cổ điển nhưng nhiều công nghệ, giống R-D1, M8 cũng sở hữu viewfinder quang học và màn hình LCD 2”5. Ở thời điểm ra mắt, Leica bán M8 giá 5500 USD.

PANASONIC LUMIX G1

Đang tải 4B79C3A8-0F09-4E75-B795-29726A4C2ED6.jpeg…

Chiếc R-D1 và M8 được coi là cảm hứng để các hãng áp dụng nhiều định dạng cảm biến hơn cho máy không gương lật có thể hoán đổi ống kính, quan trọng nhất là Micro Four Thirds (m4/3) ra mắt năm 2008 bởi Panasonic và Olympus. Ý tưởng để máy ảnh m4/3 ra mắt thời điểm đó là các hãng muốn một chiếc máy ảnh mỏng hơn 50% so với DSLR nhưng không làm giảm chất lượng hình ảnh. Một tháng sau đó, Lumix G1 ra mắt, trở thành máy m4/3 đầu tiên trên thế giới với cảm biến 12.1MP. Quan trọng hơn, G1 có lấy nét tự đồng, cái mà R-D1 và M8 thiếu, nó cũng rẻ hơn rất nhiều, chỉ 800 USD.

OLYMPUS E-P1

Đang tải FD33D9A4-74B6-4613-B840-22517015F612.jpeg… 

Năm 2009, Olympus ra mắt chiếc m4/3 đầu tiên của mình là E-P1. Nó có cảm biến 12.3MP, ISO 100-6400, lấy nét 11 điểm và quay phim HD. Ngoài ra, E-P1 ghi điểm khi chỉ nặng 335g, là lời hứa trước đó của Olympus về tiêu chuẩn của máy ảnh compact. E-P1 là khởi đầu cho một loạt máy ảnh m4/3 mà Olympus ra mắt sau này. Họ có đủ các model cho các phân khúc khác nhau, từ OM-D E-M10 cho phân khúc phổ thông cho tới chiếc OM-D E-M1 Mark II giá 3000 USD.

SONY NEX series

Đang tải 95C15098-0B58-4A11-A5BC-31714304837D.jpeg… 

Sony ngay từ đầu thể hiện thái độ không thích với cảm biến m4/3, do đó vào năm 2010, họ ra mắt máy không gương lật thay đổi ống kính của riêng mình là NEX-3 và NEX-5. Sony gọi những máy này là DSLR siêu nhỏ gọn, cả hai đều dùng cảm biến 14.2MP với hệ thống lấy nét 25 điểm. Không thể phủ nhận dòng NEX chính là tiền đề cho dòng máy không gương lật Alpha với cảm biến full-frame sau này.

NIKON 1

Đang tải ECD1EF05-C430-402C-B74C-F2F5C0BE4E77.jpeg…

Nikon gia nhập cuộc đua không gương lật vào năm 2011 với chiếc J1 và V1, cảm biến 10.1MP. Họ nói dòng 1 này là chuyên biệt về tốc độ với lời hứa nhanh hơn chiếcc máy m4/3 của Olympus ra trước đó vài tháng là PEN E-P3. Sau đó có nhiều model 1 khác ra mắt nhưng đều không thành công, chất lượng ảnh kém, UI khó dùng và tốc độ không như kỳ vọng đã khiến Nikon bỏ dòng 1 vào năm 2018, chuyển trọng tâm sang dòng không gương lật full-frame.

SONY ALPHA 7 VÀ 7R

Đang tải 62F8F989-BD38-40DC-928D-ED435E39C48A.jpeg…

Mọi người coi 7 và 7R là bệ phóng đưa Sony thống lĩnh thị trường không gương lật như ngày nay. Vào năm 2013, các máy không gương lật chủ yếu chỉ được trang bị cảm biến APS-C hay m4/3 nhưng Sony đã khiến tất cả ngạc nhiên với A7 và A7R cảm biến full-frame 24.3 và 36.4MP. Không chỉ cảm biến siêu cao, bộ đôi này còn có những cấu hình rất khủng khác bao gồm ISO lên tới 25600, chụp liên tiếp 5fps, lấy nét pha và tương phản, quay film 1080p. Và quan trọng hơn cả, chất lượng ảnh ngang ngửa với những DSLR cao cấp thời đó. Tới giờ thì Sony đã có A7 III và A7R III cũng như A9 với tốc độ chụp siêu nhanh, đây đang là bộ 3 camera không gương lật mạnh nhất thời điểm hiện tại.

FUJIFILM GFX series

Đang tải C0AE1418-1D64-4A81-8F15-D8DA689EF2A4.jpeg…

Sau khi thành công với dòng X dùng cảm biến APS-C từ 2011, Fujifilm khiến thế giới bất ngờ khi công bố chiếc máy không gương lật với cảm biến medium format 51.4MP là GFX 50S năm 2016. Với Fujifilm, họ muốn tạo ra một chiếc máy không giống phần còn lại và cho thế giới thấy không gương lật không có nghĩa là chỉ tới full-frame. Tới 2018, họ tiếp tục ra mắt GFX 50R và GFX 100 với cảm biến 51.4MP và 100MP. Không những thế, GFX 100 sẽ có chống rung trong thân máy, quay 4K 30fps và cái giá 10 ngàn USD khi bán ra cuối năm nay.

CANON, NIKON VÀ PANASONIC LÊN FULL-FRAME

Đang tải 5BC6B262-F1AB-47DD-8132-733A5472C47C.jpeg…

Dòng máy không gương lật full-frame của Sony có thể coi là không có đối trong 6 năm nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi khi cả Canon, Nikon và Panasonic đều đã ra mắt máy full-frame cho riêng mình. Canon có EOS R giá 2299 USD trong khi Nikon có Z6 và Z7, Panasonic với chiếc S1 và S1R.

Có thể thấy rằng thị trường mirrorless tiến hoá không ngừng trong vòng 15 năm trở lại đây, kể từ ngày chiếc Epson R-D1 ra mắt năm 2004. Đây cũng được coi là thời điểm thích hợp để mua cho mình một chiếc không gương lật.

Nguồn: Tinh Tế