HFVN – Là nhà sản xuất thiết bị âm thanh hàng đầu thị trường hi-end Đức, T+A Audio sở hữu những thiết kế đậm phong cách châu Âu, tinh giản và sang trọng . Bên trong các thiết bị có kích thước khá gọn ứng dụng những công nghệ đặc biệt gì? Chúng ta hãy cùng trò chhuyện  với Siegfried Amft – người sáng lập T+A Audio – để hiểu thêm về lịch sử, triết lý cũng như những kỹ thuật đặc biệt của thương hiệu này.

siegfried.2
Siegfried Amft – Người sáng lập T+A Audio

Là thương hiệu giàu truyền thống và nằm trong top các nhà sản xuất audio thành công nhất của Đức, ông có thể giới thiệu đến độc giả NgheNhìn Việt Nam đôi nét về T+A?

Saegfried Amft: Tôi thành lập T+A Audio năm 1978. Với chuyên môn là vật lý học chuyên ngành Plasma và âm học, những thiết kế đầu tay của tôi là loa. Chúng tôi thiết kế và chế tạo những mẫu loa passive lẫn active, ứng dụng công nghệ tranmisson line. TMR 160 là mẫu loa thành công nhất của Đức với 11 nghìn đôi được bán ra trong 5 năm. Đến năm 1985, chúng tôi bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử và phát triển cả hai lĩnh vực loa – thiết bị electronics đến hôm nay.

Triết lý của T+A hội tụ những tôn chỉ: ứng dụng nghiên cứu và khoa học vào sản phẩm thực tế, tự nghiên cứu và phát triển những công nghệ riêng, tinh xảo trong thiết kế ngoài lẫn cấu trúc mạch bên trong và thân thiện môi trường.

siegfried.1

Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm hai dòng sản phẩm E-Series và R-Series với khả năng trình diễn ấn tượng. Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa hai dòng sản phẩm này?

Siegfried Amft: Với E-series, chúng tôi sử dụng mạch thế hệ mới SMD theo kiểu công nghiệp dùng kỹ thuật dán linh kiện bề mặt. Công nghệ khuếch đại ứng dụng trong ampli E-Series là công nghệ đảo switching hay còn gọi là Class D do T+A phát triển. Trong đó, mạch switching có phần driver sử dụng các bán dẫn dùng để khuếch đại điện thế, tầng công suất sử dụng các module kỹ thuật số, nên vẫn có thể đảm bảo độ tinh tế, tự nhiên của âm thanh analog với công suất đầu ra lớn.

Tuy dòng R-Series có kiểu dáng nhỏ gọn, nhưng bên trong sở hữu những công nghệ đặc biệt. Theo đó, mạch hàn chân truyền thống đảm bảo chất lượng truyền dẫn tốt nhất, linh kiện chất lượng. Công nghệ quan trọng trong dòng R-Series là sử dụng băng thông cực rộng (hay còn gọi là công nghệ Ultra Wide Bandwith). Việc mở rộng băng truyền dẫn giữa tín hiệu nguồn khuếch đại góp phần mang đến màn trình diễn âm thanh chi tiết hơn, âm hình và hiệu ứng stereo tốt hơn. Các thiết kế khuếch đại R-series có băng thông lên đến 300kHz! Để tín hiệu truyền dẫn trong mạch được tối ưu, thay vì chỉ dùng đồng nguyên chất, nay mạch output của ampli R-series được bổ sung thêm bạc, giúp tín hiệu được truyền gần như nguyên vẹn và chính xác đến các linh kiện.

Dù là nhà sản xuất hi-end audio thuần túy, nhưng T+A Audio cũng “nhanh chân” trong việc ứng dụng tích hợp đầu đọc USB cũng như Internet Radio. Liệu đây có phải là hướng đi tất yếu trong thời gian tới của các hi-end audio?

Siegfried Amft: Trong những năm gần đây, công nghệ USB-DAC và các file nhạc lossless độ phân giải cao đã trở thành nguồn phát quan trọng trong ngành công nghiệp hi-end audio. Hiện nay, tôi đã chuyển đổi toàn bộ thư viện CD sang các tập tin lossless. Tôi chắc rằng: nếu thực hiện đúng cách, file lossless có chất lượng ngang bằng, thậm chí hơn CD do các transport phải chịu nhiều loại rung nhiễu từ cơ học đến điện từ. Với các file FLAC độ phân giải cao 96kHz/24-bit, hiệu quả âm thanh thật tuyệt vời. Tôi cũng như đội ngũ R&D luôn sẵn sàng cho những công nghệ mới. Khi các vấn đề đã ổn định, chúng tôi dành quyền tiên phong. Năm 1988, T+A là nhà sản xuất đầu tiên sử dụng giao tiếp RS-232 trong hệ thống thiết bị audio, giúp chúng có thể giao tiếp với nhau bằng một remote chung.

Thế hệ sản phẩm mới bao gồm đầu đọc và music server của T+A tích hợp giao tiếp USB cho phép đọc trực tiếp các định dạnh Lossless chuẩn FLAC từ thiết bị lưu trữ USB di động đến ổ cứng gắn ngoài. Nhờ đó, người dùng có thể tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị USB-DAC và không cần trang bị PC hay laptop.

Không chỉ có nguồn nhạc FLAC, Internet Radio cũng là nguồn phát quan trọng và phong phú. Chúng ta có thể tiếp cận hàng nghìn đài phát Internet với các chương trình nhạc được sắp xếp theo thể loại, chủ đề, thời gian… Trong thời gian tới, số lượng đài phát có chuẩn âm thanh chất lượng cao 320kbps sẽ gia tăng nhanh chóng.

Ông có thể cho biết các đầu đọc của T+A sử dụng loại cơ nào?

Siegfried Amft: Trước đây, T+A sử dụng hệ thống cơ transport của Philips. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Philips không còn là Philips khi hãng này tiến hành bán các lĩnh vực kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, có thời gian chúng tôi đã liên tục nhận phản hồi từ khách hàng về sự cố phần cơ do Philips đã chuyển lĩnh vực sản xuất cơ transport sang Trung Quốc và phần mềm quản lý hoạt động được lập trình ở nước khác. Do thiếu sự nhất quán, nên dẫn đến nhiều trục trặc khi điều khiển.

Cuối cùng, T+A đã chọn giải pháp tự chọn linh kiện, lập trình và thiết kế hệ thống cơ cho riêng mình. Chúng tôi phải tìm cho riêng mình một đối tác chuyên nghiệp và rất đáng tin cậy. Hiện nay, cơ T + A sử dụng những linh kiện cao cấp nhất. Phần động cơ đặt hàng từ nhà máy motor DC nối tiếng thế giới Mabuchi – Nhật Bản (Mabichi hiện có nhà máy motor điện tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 40 triệu USD). Nhờ chủ động về phần mềm, chọn linh kiện tiêu chuẩn audio, những bộ cơ transport của T+A hoạt động chính xác và có tính ổn định cao.

Tuấn Lương – Hifivietnam.vn