Phần A: trang bị kho nhạc số

Phần B: xây dựng một cấu hình máy tính chuyên để nghe nhạc + lựa chọn phần 

Phần C: bộ chuyển đổi tín hiệu từ số sang analog
Phương pháp kết nối Nghe nhạc số trực tuyến với nguồn phát nhạc máy tính PC

A. Kho nhạc số

Đầu tiên phải tìm thiết bị chứa file nhạc lossless. Nếu các bạn có kho nhạc nhỏ thì chưa trên ổ cứng gắn trong máy tính là đủ. Tuy nhiên hiện nay điều này bất khả vì hầu hết ổ cứng gắn trong quá nhỏ so với nhu cầu. Các bạn có chừng 1, 2 TB thì chắc chắn phải tìm giải pháp lưu chứa file bên ngoài.

Câu hỏi: ổ cứng chỉ dùng để chứa file nhạc, truy xuất dữ liệu số thì cái nào chả giống nhau, đúng không?

Câu trả lời là còn tùy, các bạn xem trải nghiệm của apham dưới đây.

Bắt đầu từ ổ cứng chứa file nhạc, mình nhận thấy không phải ổ cứng nào cũng giống nhau:

Sau khi dùng qua một số loại ổ cứng thông dụng thì apham thấy, nếu dùng để lưu hình/ data thì WD quả là ngon bổ rẻ. Nếu cầu kỳ hơn để nghe nhạc thì Lacie nên tính tới bởi vì nó chạy êm và rất ít rung

Các bạn thấy là WD rung hơn Lacie rất nhiều và thực tế chúng ta cảm nhận được ngay khi dùng thử.

Hiện tại apham dùng:
– WD, Lacie 3.5″ để lưu ảnh với chế độ security bật lên
– Lacie để chơi nhạc lossless

Với các bạn chơi audio thì rung này từ ổ cứng phát sinh có tể ảnh hưởng đến hệ thống phát nhạc nếu nó đặt chung với nhau. Do đó nếu các bạn quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý rung, nhiễu trên toàn hệ thống thì nên lưu ý điểm này.

Bổ sung thêm: Nếu bác sợ độ rung này ảnh hưởng đến “hệ thống phát nhạc” thì có thể giải quyết một cách đơn giản là không đặt cái ổ cứng đó trên cùng cái kệ đã trang bị tiêu âm, khử rung.

Sau khi có nơi chứa nhạc, bước tiếp theo là tìm kiếm và sưu tầm nguồn nhạc.

Với định dạng file nhạc có độ phân giải cao, audiophiles và nền công nghiệp hiend đã chấp nhận computer audio là một nguồn phát chuẩn. Nếu nguồn convert tốt 24/ 32 bits thì sẽ có các file âm thanh có độ phân giải cao hơn cả chuẩn Redbook 16 bits từ CD thường.

Hình minh họa: ổ cứng external chứa nhạc lossless

Giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát nhạc máy tính PC.

Về mặt cơ bản nhất theo sự chia sẻ của vài nhà sản xuất nhạc ở VN mà em có được trao đổi:
– Âm thanh trực tiếp từ phòng thu -> ghi lại trên băng từ tape/ băng cối đa kênh và đĩa than (âm thanh analog)
– Nhà SX chuyển tín hiệu analog ở trên sang các nguồn nhạc thương mại như CD/ DVD/ Blue ray, etc…

Hầu hết nguồn nhạc lossless chia sẻ hiện nay được đánh từ CD/ SACD/ XRCD, một số ít đánh từ đĩa than và được bổ sung thêm 1 ít nguồn nhạc 32bits – được quảng cáo là covert trực tiếp từ tín hiệu thu âm (cái này ít lắm vì giá rất đắt).

Chính vì vậy nên chất âm từ file lossless vẫn chưa so bằng CD, tham khảo phần ý kiến mở đầu về việc này.

Ở nhà mình hiện nay thì sưu tầm nguồn nhạc lossless khá dễ dàng, copy thoải mái. Tốt nhất các bạn tìm một người quen có nguồn âm tốt và chép nhạc về nhà sử dụng.

Vậy thì câu hỏi định dạng lossless nào cần sưu tầm?
Có rất nhiều định dạng Lossless khác nhau (FLAC, APE, TAK, ALAC, TTA, WAV…) do đó cũng có nhiều kiểu nén Lossless khác nhau cho ra các file với dung lượng từ cao đến thấp. Nhưng sau khi giải nén chúng đều cho ra dữ liệu với chất lượng giống nhau và giống bản gốc (nếu cùng một bản gốc). 

Tuy nhiên nếu các bạn cầu kỳ và không muốn hệ thống có độ trễ (sử dụng cấu hình máy tính yếu, giải nén không kịp tín hiệu cần xuất đi) thì nên tìm file nhạc WAV để sử dụng. File .WAV trong âm thanh tương tự file bitmap hình *.BMP. Một CD nhạc 24 bits sẽ tạo ra 1 album nhạc lossless có dung lượng 800MB đến hơn 1GB dữ liệu. 

Ngoài ra khi nghe nhạc số cất lượng cao thì tự nhiên chúng ta phải delete đi kho nhạc MP3 mà hồi xưa tải về từ modem internet về, vì thuật toán nén này là dạng Lossy, tức là mất 1 phần dữ liệu, hì hì…

 

B. Xây dựng một cấu hình máy tính chuyên để nghe nhạc

Các bạn có thể dùng bất kỳ máy tính có sẵn nào để sử dụng, miễn là nó có khả năng xuất tín hiệu số khi chơi nhạc (digital playback) qua ngõ USB hay các cáp nối digital thông thường như: Toslink, S.PDIF và AES/EBU. Ở đây chúng ta không đề cập đến chuyện lấy tín hiệu âm thanh đã giải mã xong trên máy tính ra cổng headphone nhá, hehe.

Tuy nhiên, với yêu cầu nâng cao cho một hệ thống nghe nhạc tốt thì nhất thiết chúng ta phải đầu tư 1 máy tính chuyên biệt có khả năng sau:

1. Im lặng tuyệt đối
2. Cho chất lượng âm thanh đạt cao.
3. Không có các linh kiện có chuyển động cơ học như ổ HDD, Fan CPU, Fan PSU
4. Có cổng USB dùng bus riêng, độc lập cho Audio.

Với 4 yếu tố trên, nhất quyết chúng ta phải đầu tư nếu nhu cầu hướng đến hệ thống phát nhạc tốt:
– Máy tính trang bị ổ cứng SSD để nạp HĐH và phần mềm playback (kho nhạc chứa bên ngoài máy tính)
– Máy tính không có quạt tản nhiệt cho CPU (Fanless): hiện nay mấy dòng máy tính đời mới đã không có quạtg CPU nữa rồi, ví dụ Ultrabook, 2-in-1
– Máy tính nên dùng adapter cho bộ nguồn cấp điện thay vì để PSU trong casing để tránh nhiễu: laptop, AIO, NUC là các giải pháp nên tính đến 

Minh họa nguồn phát lossless trong bộ dàn âm thanh

Giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát nhạc máy tính PC.

Apham đã trải nghiệm thực tế trên nhiều máy tính (laptop, desktop, NUC, AIO) và thấy tín hiệu nhiễu (rì rì, xè xè) khi mới lớn volume trên các máy dùng ổ cứng thông thường. Nếu mà chỉ ở volume nhỏ mà các bạn đã thấy âm thanh này thì hệ thống nhà bạn bị nhiễu rất nặng.

Đây là hệ thống máy tính chơi nhạc hiện tại của apham:
Lenovo X1 dòng Ultrabook, Core i5, SSD 120GB, 8GB RAM, Windows 7

Giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát nhạc máy tính PC.

Máy tính chuyên để nghe nhạc phải playback “bit perfect” audio. Tất cả những tạp âm (noise) tạo ra bởi các thành phần linh kiện khác nhau, các phần mềm chạy ẩn,… có thể ảnh hưởng đến việc truy suất data tại 1 thời điểm và truyền sang DAC với yêu cầu phải đúng tần số lấy mẫu như 16/44.1, 24/96, 24/192. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn ở phần C – Bộ DAC

Các cổng usb khác nhau, do thiết kế khác nhau, tích hợp các tính năng khác nhau. Chẳng hạn trên MAC phần USB chia 2 nhánh, 1 nhánh cổng 1-2 có tích hợp thêm hồng ngoại (IR receiver), còn cổng 3-4 tích hợp Bluetooth. Khi cắm DAC vào cổng 3 trên Mac Mini chẳng hạn, mà đồng thời bật bluetooth để kết nối keyboard/trackpad thì tín hiệu USB tới DAC sẽ bị bluetooth ảnh hưởng. Do đó, người ta khuyên dùng cắm vào cổng 1-2, ít bị ảnh hưởng hơn vì bây giờ cũng ít dùng thiết bị giao tiếp hồng ngoại (remote, chuột). Cái này vào phần “About this Mac” sẽ thấy rõ ngay 2 nhánh này khi bác cắm rút các thiết bị USB vào nhánh nào.

Hay việc tại sao dùng firewire HDD tốt hơn, vì muốn dành cổng USB toàn tâm toàn ý cho DAC. Nếu dùng firewire DAC thì lại dùng USB HDD…. cốt là để chúng không dẫm chân lên nhau.

Lựa chọn hệ điều hành và phần mềm chơi nhạc

Phần này nhức đầu nhất, cãi nhau nhiều nhất và rất cá nhân, tùy theo sở thích và gu của mỗi người. Người dùng máy MAC khác hẳn so với Windows PC, cách thức khác nhau, chất âm khác nhau. Chưa kể đến chuyện phần mềm free hay mua bản quyền, v.v…

Để nghe âm thanh đạt chất lượng thì còn phụ thuộc vào cách chỉnh bên trong software và những audio plugin…

Apham dùng Windows nên không có nhiều sự lựa chọn so với MAC, do đó cần các bác góp ý hoàn thiện cho bài viết.

Hình minh họa dùng phần mềm chơi nhạc lossless

Giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát nhạc máy tính PC.

Các lưu ý khi chơi nhạc trên PC:
– Tắt các chương trình đang chạy ở background: chúng ta không hề muốn đang lim dim thưởng thức nhạc thì có tiếng bong bong báo hiệu có email đến hay tin nhắn từ facebook, đúng không?
– Nếu được hãy dùng OS có bản quyền: apham đã từng chứng kiến dàn nhạc ở nhà anh bạn cứ mỗi 30 phút Windows báo hiệu phải activation
– Nên tắt wifi, bluetooth và các ứng dụng không cần thiết khác trên máy PC khi nghe nhạc

C: Bộ giải mã chuyển đổi tín hiệu từ Digital sang Analog – DAC

Phần này apham cho rằng nó phức tạp nhất, cá nhân nhất và tranh cãi nhiều nhất bởi vì ngoài đặc điểm kỹ thuật của máy móc ra mà chúng ta có thể giải quyết thấu đáo một cách khoa học thì phần kia chính là phần cảm nhận về chất âm tái tạo mà cái này thì tùy thuộc vào gu của mỗi người. 

Tuy nhiên chúng ta ai cũng thống nhất 1 yếu tố quan trọng của DAC đó là chất âm tái tạo phải có nhạc tính, tức là phải “có hồn”.

Trong phần C này chúng ta sẽ tìm hiểu qua một số khái niệm quan trọng với DAC để cuối cùng chúng ta có thể tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình, đó là chọn được 1 đầu DAC vừa ý.

Giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát nhạc máy tính PC.

Một số hình ảnh về DAC

Với giải pháp nghe nhạc số với nguồn phát là máy tính thì DAC đóng vai trò quan trọng nhất. Do đó DAC theo em chiếm 80% phần nhạc tính còn PC + software + dây tín hiệu chiếm 20% còn lại. Giả thuyết là nguồn nhạc lossless đã chuẩn rồi nhé, cái này thì cũng không khó khăn lắm vì các bác giao lưu 1 chút với mấy anh em VNAV là xin chép được nguồn nhạc tốt. 

Apham có vài quan điểm cá nhân, xin chia sẻ trong phần mở đầu của DAC này:
– Nên chọn DAC USB và không nên chọn DAC optical nếu DAC mà các bạn đầu tư được sản xuất từ 2010 trở về sau này vì lúc đó đa phần DAC nhận tín hiệu USB không đồng bộ.
– Nên nghe thử càng nhiều càng tốt, nếu có điều kiện giao lưu và mượn về phối ghép với bộ dàn ở nhà thì tuyệt vời ông mặt trời (các bác thấy em đi nghe và chụp hình nhiều model DAC phết đấy).

Ủng hộ cách chơi DIY của các bác nào tự ráp 1 DAC chuyên biệt (có mạch giải mã, nguồn cung cấp riêng, v.v…)
– Nên dùng DAC đơn nhiệm cho việc nghe nhạc 2 kênh thay vì DAC đa nhiệm trừ khi các bác trang bị DAC nghe nhạc để…xem phim, ví dụ mua Oppo chỉ để nghe nhạc thì không bằng dùng số tiền đó để mua DAC chuyên nghe nhạc.

– Không tán thành cách chơi đường vòng, tốn kém rồi cuối cùng cũng phải đi về con đường chính thống. Đó là mấy bác dùng bộ phát nhạc như kiểu Dune rồi kết nối cổng optical sang MD Player để giải mã hay đại loại như vậy. Cách này xem qua thấy rẻ nhưng chất lượng tệ và học phí cao.

– Không nên tận dụng sound card của máy tính để lấy tín hiệu đã giải mã ra thẳng amply hoặc dùng cổng SPDIF onboard nối ra DAC trừ khi “bí quá làm liều”. Lý do tín hiệu rất nhiễu bởi vì nguồn mass chung của máy tính và các tín hiệu nhiễu loạn bên trong không gian của máy tính.

Khi chúng ta chơi nhạc lossless thì cũng phải chấp nhận 1 điều quan trọng đó là phải chấp nhận (open mind) ứng dụng/ đầu tư cho công nghệ mới. Với người chơi nhạc chịu khó thì các bạn có thể săn tìm được những amply, loa cổ cho chất âm hay, mộc mạc và trong tầm tiền. Nhưng khi chơi lossless thì “đồ cổ” không có ý nghĩa ở đây trong khái niệm price/ performance hay “tiền nào của nấy”.

Nguồn: audionews.com.vn