Những thông số kỹ thuật thể hiện chức năng, điểm mạnh, điểm yếu của từng loa karaoke. Vì thế, để lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng, bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của những thông số này của sản phẩm.

Trước khi mua một loa karaoke, bạn nên biết rõ sản phẩm bằng việc giải nghĩa các thông số kỹ thuật do nhà sản xuất công bố. Thương hiệu càng uy tín thì những thông số này càng đáng tin cậy. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều người đang bỏ qua những con số này, dẫn đến tình huống hiểu sai về chức năng, công dụng, khiến việc mua loa trở nên vô nghĩa. Sóng Nhạc sẽ giúp bạn tổng hợp về một số thông số quan trọng nhất và giải thích chi tiết dưới đây.

Công suất của loa

Nhiều nhà sản xuất thường công bố rất nhiều mức công suất khác nhau cho một chiếc loa khiến nhiều người thường hiểu lầm về thông số này. Thông thường, khách hàng hay bắt gặp 2 con số về công suất bao gồm: RMS: 200W; Peak: 800W. Vậy đâu là mức công suất thực của loa?

Công suất Peak là mức công suất đỉnh mà loa đạt được trong khoảng thời gian ngắn. Nếu loa hoạt động với mức công suất này trong một thời gian dài sẽ dẫn đến hư hỏng. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy loa karaoke không bao giờ phát ra mức âm thanh giống nhau trong quá trình sử dụng, mà sẽ có sự thay đổi, không đồng đều. Vì vậy, để xác định sự thay đổi biên độ nhanh chóng của một cường độ sóng âm, người ta thường dùng một giá trị trung bình. Công suất RMS (Root Mean Square) được sử dụng để mô tả mức bình quân của sóng âm, là công suất thực để loa hoạt động hiệu quả nhất. Nhiều nhà sản xuất thường công bố mức công suất RMS và công suất đỉnh của loa chênh lệch nhau rất nhiều. Vì thế, bạn nên tỉnh táo để phân biệt 2 thông số này, tránh tình trạng phối ghép sai, dẫn tới loa bị hư hỏng, thậm chí cháy loa.

Ngoài ra nhiều nhà sản xuất còn công bố mức công suất Programme, cũng là mức công suất đỉnh nhưng là đỉnh của mức trung bình (RMS), nghĩa là loa thường xuyên hoạt động ở mức công suất này.

Loa DMX có công suất RMS cao cho chất âm sống động, vượt trội

Đáp tuyến tần số

Tất cả các thiết bị âm thanh, không chỉ riêng với loa, đều có đáp tuyến tần số. Con số này cho bạn biết được rằng sản phẩm đó có thể sản xuất âm thanh ở những dải tần số cụ thể nào, có thể biểu diễn bởi từng khoảng dải tần hoặc theo đồ thị đáp tuyến tần số bằng hình ảnh. Tùy chức năng của mỗi chiếc loa (loa sub hay loa full) mà thông số này cho biết khả năng thể hiện âm thanh ở tần số khác nhau. Đây là những con số có thể tin cậy được mà nhà sản xuất đã tiến hành đo lường và công bố đến khách hàng của mình. Những loa có đáp tuyến tần số càng rộng càng thể hiện được nhiều khoảng dải tần âm thanh.

Trạng thái tốt nhất của các đồ thị đáp tuyến tần số đó là thể hiện các dải tần một cách chính xác nhất về cường độ của các tần số âm thanh. Tuy nhiên thực tế không được như vậy, mà thông số này thường sai lệch ở mức +/-3dB, với các thiết bị cao cấp, sai lệch ít hơn trong khoảng +/-1dB nhưng vẫn không thể hoàn hảo và chính xác 100%.

Độ lớn âm thanh của loa

Khái niệm decibel hay còn gọi là đơn vị đo cường độ âm thanh là cơ sở tính toán trực tiếp độ lớn mà loa karaoke đạt được. Khi tăng khoảng cách từ nguồn phát đến tai người nghe, cường độ âm thanh sẽ bị giảm xuống (theo nguyên tắc gấp đôi khoảng cách, giảm 6dB). Bên cạnh đó, liên quan đến độ lớn âm thanh của loa, còn có thông số SPL. SPL là viết tắt của mức độ áp lực âm thanh và cũng thường được gọi là hiệu quả và độ nhạy của loa đo bằng đơn vị dB. Thông số này đại diện cho độ lớn loa là bao nhiêu. Nguyên tắc chung là để tăng âm thanh đầu ra 3 dB, bạn phải cung cấp gấp đôi công suất cho loa. Ví dụ loa có 90dB SPL 1W/1M thì để chơi được độ to 93 dB bạn sẽ phải cung cấp 2 Watt, và 96 dB sẽ là 4 Watt.

Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng, thế nhưng thông số này của loa đôi khi bị bỏ qua. Nếu loa được đánh giá ở mức 83 dB SPL 1W / 1M, sau đó để đạt tới đỉnh cao 104 dB SPL thì loa sẽ cần một bộ khuếch đại có khả năng sản xuất vượt mức 125 watt cho mỗi kênh. Nhưng, nếu một loa được đánh giá ở 98 dB SPL 1W / 1M, để đạt được cùng một SPL 104 dB có thể chỉ tốn 4 watt. Chính vì thế các loa có độ nhạy hay SPL cao thường được ứng dụng trong thực tế bằng việc phối ghép với những amply có công suất thấp, mà vẫn cho âm thanh sống động.

Loa Prodio KSP-680 với độ nhạy cao, dễ dàng phối ghép với các amply công suất thấp

3 yếu tố kỹ thuật kể trên là những thông số quan trọng mà người mua loa hiện nay thường bỏ qua. Hy vọng bài viết đã mang lại những kiến thức, thông tin hữu ích và thực tế nhất cho bạn để lựa chọn được một sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân mình.

Bên cạnh các yếu tố về mặt kỹ thuật, chất lượng của loa còn phụ thuộc vào chất liệu của các thành phần cấu tạo nên nó như: màng loa, viền, nón, hay các thành phần khác… mà nhà sản xuất sử dụng để chế tạo loa. Bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm.

Nguồn: songnhac.com.vn