Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Nguyễn Bính (1918 – 2018), các tuyệt phẩm phổ thơ, với những lời thơ đẹp viết về quê hương, tình yêu của ông đã được Sol Vàng tôn vinh đêm 13-1.

Có mặt trong đêm nhạc, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái đầu của thi sĩ Nguyễn Bính) không khỏi xúc động, chia sẻ những kỷ niệm hiếm hoi về người cha nổi tiếng.

Không nhiều ký ức về cha, nhưng điều mà nữ nhà thơ luôn cảm thấy tự hào chính là cái tên được chính ông đặt cho. Chị chia sẻ: “Bố và mẹ tôi đến với nhau bằng tình yêu sét đánh. Khi có thai tôi, hai người chia nhau đặt tên, nếu con gái mẹ đặt, con trai thì ông đặt. p

Khi sinh tôi ra là con gái, mẹ liền đặt tên là Nguyễn Hồng Cầu, nhưng ngày làm khai sanh thì ông dứt khoác kiên quyết thêm chữ Bính vào”.

Đến tận năm 10 tuổi, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu mới biết Nguyễn Bính chính là cha mình, vì vậy cô luôn tâm niệm phải sống như thế nào để xứng đáng với cái tên do cha mình đặt.

Năm 2017, nữ nhà thơ hoàn thành và xuất bản cuốn “Nguyễn Bính toàn tập” sau hơn 20 năm thu thập tư liệu. Đây chính là tâm nguyện cuối cùng cô dành tặng cho người cha đã khuất.

Đến với đêm nhạc 100 năm Nguyễn Bính, Phi Nhung thể hiện ca khúc Hồn trinh nữ (nhạc Trịnh Lâm Ngân). Nữ ca sĩ diện áo dài trắng, tóc buông xõa tự nhiên thể hiện ca khúc bằng chất giọng ngọt ngào đậm chất riêng không thể lẫn với bất kỳ ai khác.    

Quay trở lại chương trình chủ đề 100 năm Nguyễn Bính, “Ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn chọn thể hiện ca khúc Cô hàng xóm (nhạc: Tô Thanh Tùng).

 

Ngọc Sơn trình bày ca khúc ‘Cô hàng xóm’

Qua phần trình diễn đầy cảm xúc của Ngọc Sơn, người xem không khỏi ngậm ngùi tiếc thương cho mối tình đơn phương của chàng trai dành cho cô gái nhà bên.

 

Danh ca Phương Dung thể hiện trọn vẹn cảm xúc qua ca khúc ‘Cô lái đò’

Cô lái đò là một trong số những bài thơ thường được nhắc tới nhiều nhất của thi sĩ Nguyễn Bính. Bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc và nhanh chóng trở thành một ca khúc quen thuộc với người nghe.

Với ca từ man mác buồn, lại mang âm hưởng dân gian Bắc Bộ, bài hát cứ lặng lẽ thấm quyện lòng người, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những sáng tác phổ nhạc từ thơ Nguyễn Bính như: Chân quê, Gái xuân, Trăng sáng vườn chè, Ghen, Mắt nhung,… cũng được các ca sĩ giới thiệu qua đêm nhạc….

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính (1918 – 1966) quê tỉnh Nam Định. Khi ông vừa tròn 3 tháng thì mẹ từ trần do bị tai nạn. Cha ông (ông Nguyễn Đạo Bình) làm nghề dạy học nên ông được học tại nhà. Về sau cha ông bước thêm bước nữa, Nguyễn Bính được cậu mang về nuôi dưỡng. 

Tài năng thi ca được Nguyễn Bính bộc lộ từ nhỏ, khi 13 tuổi ông đoạt giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Thơ ông phần lớn là thơ tình nhưng mang một sắc thái quê mùa, dân dã riêng biệt. Cùng với Xuân Diệu, ông được mệnh danh là “Vua thơ tình”

49 tuổi với hơn 23 năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại cho đời 22 thi phẩm, trong đó có đến 15 sáng tác được phổ nhạc. Điều này không dễ đối với bất kỳ thi sĩ nào, bởi vì lẽ đó, Nguyễn Bính trở thành nhà thơ giữ kỷ lục sáng tác được phổ nhạc tính đến nay.

Nhà thơ Nguyễn Bính có một cuộc đời long đong với nhiều lần tha hương. Ông trải qua 4 đời vợ, ngay cả khi ông từ trần, mộ phần của ông cũng phải mất qua bốn lần di dời mới được bình yên. Tuy vậy, nhà thơ đã sống hết mình và yêu hết mình, khối tình lớn nhất đời, ông dành cho thi ca và thôn làng qua những bài thơ mang nặng hồn quê.

 

Nguồn: tuoitre.vn/Hải Trung