Ngày 20/7 vừa qua, giọng ca huyền thoại Chester Bennington của ban nhạc rock Linkin Park được phát hiện qua đời tại nhà. Theo sau sự kiện chấn động đó, In The End là bài hát của Linkin Park được tìm nghe nhiều nhất.

In The End là đĩa đơn thứ 4, được phát hành vào năm 2001 và nằm trong album đầu tay, cũng là album thành công nhất của Linkin Park – Hybird Theory. Cùng với các siêu phẩm khác trong Hybird Theory như One Step Closer hay Crawling, In The End đưa công chúng đến với một Linkin Park, phía sau hào quang và những “bữa tiệc âm nhạc” cuồng nhiệt.
 
Những bước đi đầu tiên
Khác với những gì người ta vẫn nghĩ, thành công của In The End cũng như album Hybird Theory của Linkin Park không phải “trên trời rơi xuống”. Họ đã cùng nhau trải qua khá nhiều biến cố cho đến khi mọi thứ ở đúng chỗ của nó.
 
Chú thích ảnh
Bìa album “Hybird Theory” với hình ảnh đôi cánh người lính
Năm 1999, Chester Bennington khi ấy đang chuẩn bị “nghỉ hưu” sự nghiệp âm nhạc để chuyển sang làm bất động sản, bất ngờ nhận được lời mời thử giọng cho vị trí hát chính của một ban nhạc rock mang tên Xero. Chester Bennington đã gây ấn tượng tại buổi thử giọng đến mức một số ứng viên khác phải bỏ cuộc khi còn chưa được “chạm vào mic”. Và thế là, Chester Bennington chễm chệ đứng trong hàng ngũ ban nhạc Xero, mà sau này được công chúng biết đến với cái tên… Linkin Park.
 
Brad Delson, tay guitar của Linkin Park nhớ lại: “Chester thực sự là mảnh ghép cuối cùng của bức tranh. Tài năng của anh ấy đến đúng lúc chúng tôi cần và không thể thấy ở ai khác, thậm chí gần như vậy cũng không”.
 
Chú thích ảnh
Linkin Park thời mới ra mắt
 
Nhân sự ổn định, họ bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên của mình dưới cái tên Hybird Theory. Trong khoảng năm 1999, họ đã trình diễn bản thu âm thử với hàng loạt hãng đĩa, nhưng đều bị từ chối. Nhóm cũng đã phát hành phiên bản album “thử nghiệm” cho Hybird Theory, chỉ với 1.000 bản.
Nhưng có lẽ sự “lẹt đẹt” về tiếng tăm ấy là may mắn cho họ, vì sau này cái tên nhóm Hybird Theory họ cũng không thể giữ được do trùng với một ban nhạc điện tử khác đến từ xứ Wales – Hybird. Và cái tên Linkin Park ra đời từ đó, một cách đọc lái của Lincoln Park – công viên xuất hiện tại hầu hết các thành phố tại Mỹ và Hybird Theory được đưa thành tên album chuẩn bị ra mắt.
Sự nghiệp của Linkin Park có sự khởi sắc khi họ được giới thiệu đến hãng thu âm Warner Bros. và đặc biệt là sự hợp tác với nhà sản xuất Don Gilmore. Chính thức ra mắt vào tháng 10/2000, phần thu âm của Hybird Theory chỉ được thực hiện trong tổng cộng 4 tuần, tại phòng thu NRG phía bắc Hollywood, California.
Tuy nhiên trước đó họ đã phải trải qua một “cuộc chiến” với sự “lườm nguýt” từ hãng thu âm để giữ vững định hướng ban đầu của album, bởi các “ông sếp” khi thì muốn thay đổi bài hát, khi thì “nhúng tay” vào đội hình nhóm, thậm chí còn muốn đẩy “trụ cột” Mike Shinoda ra hát riêng để thay thế bằng một rapper “lạ huơ lạ hoắc” đến từ New York…
 
Chú thích ảnh
Đĩa đơn “In The End”, vẫn với hình ảnh đôi cánh người lính
 
“Đôi cánh” của người chiến binh
In The End, như các bản hit khác trong album Hybird Theory, mỗi ý nghĩa tư tưởng đằng sau lời ca trên nền nhạc dữ dội đầy năng lượng, đều lấp ló câu chuyện của quá khứ  và đem đến bức tranh đa chiều hơn về Linkin Park.
Nhà sản xuất Don Gilmore, khi mới gặp Linkin Park chỉ nhìn họ như “những cậu bé mới lớn”. Nhưng với Chester Bennington thì khác, Don dành sự quan tâm đặc biệt cho Chester bởi tài năng xuất chúng, và có lẽ, là sự đa cảm cùng quá khứ “biến động”.
Chính Don Gilmore là người tạo động lực cho Linkin Park gửi gắm câu chuyện của chính mình trong In The End. Nhà sản xuất này gợi ý họ kể lại chuyện, nhưng không phải với sự đáng thương mà phải làm sao để nó nhẹ nhàng và thú vị hơn.
Và thế là cả lời ca cùng hình ảnh của In The End đều ẩn chứa những thông điệp sâu sắc. Miêu tả chính xác nhất phong cách âm nhạc của Linkin Park, In The End là sự kết hợp tuyệt vời giữa rap và rock, giữa chất giọng đầy nội lực của Chester Bennington và phần rap nhịp nhàng cảm xúc của Mike Shinoda cùng tiếng piano điểm lặp đặc trưng.
Lấy cảm hứng từ quá khứ đầy biến động và bi kịch của giọng ca chính Chester Bennington, một số câu trong bài hát đã trở thành biểu tượng “I tried so hard and got so far. But in the end, It doesn’t even matter” (Tôi đã nỗ lực và tiến xa. Nhưng cuối cùng cũng nó chẳng còn quan trọng nữa).
Vô tình, phần lời của In The End đã gợi người ta liên tưởng đến một kết thúc tuyệt vọng, thậm chí có thể gồm cả việc tự sát. Cả bài hát không hề cho thấy một tia sáng hy vọng, không một chút sức mạnh nội tại, không gì ngoài việc cố gắng hết mình để rồi mọi thứ “vỡ vụn” và buông xuôi với cái kết ấy. Và cứ thế, âm nhạc chìm vào im lặng với tiếng piano chậm rãi, tuyệt vọng, thổn thức.
 
Chester Bennington tự tử,'In The End' là bài hát được săn lùng nhiều nhất của Linkin Park
 
Sau khi tin Chester Bennington tự tử vào sáng ngày 20/7 lan truyền khắp nơi, người hâm mộ đã đổ xô tới các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến để tưởng nhớ về trưởng nhóm Linkin Park thông qua âm nhạc của anh.
 
Âm nhạc của Chester Bennington thường vậy, cảm hứng tuyệt vọng và u sầu là thứ luôn quấn quýt lấy anh. Nhưng kể cả có quen thuộc với những bài hát như In The End, hay Breaking The Habit, thì sự qua đời đột ngột của anh vẫn là tin sốc với bất kỳ ai. Nhạc và lời là vậy, nhưng video do Joseph Hahn đồng đạo diễn lại cho thấy sự lạc quan kiểu như “sau cơn mưa trời lại sáng”. Từ hình ảnh về sa mạc cằn cỗi lúc đầu, rồi một cơn mưa đến và cuối cùng, cây cỏ phủ xanh đất và trời hửng nắng. MV được dựng bằng CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) với nền lấy từ sa mạc tại California.
Nếu để ý, người xem sẽ nhận ra hình ảnh người lính với đôi cánh được thể hiện trên bìa album, đồng thời đưa vào trong MV. Đây là “tác phẩm” của chính Mike Shinoda. Anh giải thích rằng người lính biểu trưng cho sự mạnh mẽ, cứng rắn, còn đôi cánh lại cho thấy một tính cách đằng sau mềm mại, đa cảm hơn. Tổng hòa lại, đó chính là thông điệp về Linkin Park mà Mike muốn truyền tải tới công chúng.
 
Danh tiếng ngoài mong đợi
 
Cuối cùng, Linkin Park đã giữ được cho mình ý chí mãnh liệt và lòng tin tuyệt đối vào thứ âm nhạc họ tạo dựng nên. Chester Bennington đã từng “mạnh mồm” tuyên bố: “Chúng tôi muốn mọi người ở lại sau khi chúng tôi biểu diễn, và không nhóm nhạc rock nào khác dám biểu diễn chung một show diễn với Linkin Park”.
Sự thành công của Hybird Theory cùng In The End đã chứng tỏ rằng, niềm tin ấy của Linkin Park là có căn cứ. Đĩa đơn In The End ra mắt lập tức lọt vào BXH Billboard Hot 100 và leo lên vị trí thứ 2, đồng thời giành ngôi quán quân ở BXH Rock hiện đại năm 2001. Và album Hybird Theory, với doanh số 24 triệu bản trên khắp thế giới là album đầu tay bán chạy nhất thế kỉ 21, được chứng nhận hạng kim cương, trở thành album thành công và có ảnh hưởng nhất của Linkin Park cho đến tận bây giờ.
Ban đầu Chester Bennington không thích In The End và cũng không muốn nó được thu âm. Nhưng rõ ràng, In The End đã để lại bài học cho Chester, rằng gu âm nhạc của anh khác với công chúng, và thật sáng suốt khi đã không tham gia chọn bài vào thời điểm đó.
Làng rock mất một huyền thoại
Ban nhạc Linkin Park được thành lập từ năm 1996 bởi 2 thành viên Brad Delson và Mike Shinoda, bắt đầu gây dựng tiếng vang từ đầu những năm 2000 với album Hybird Theory, Linkin Park đã thành công với nu-metal khi mà thể loại này bắt đầu được chú ý.
Linkin Park gắn bó với người yêu nhạc Việt Nam qua các bản hit như In the End, One Step Closer, Faint, Numb, What I’ve Done…
Ngày 20/7 vừa qua, giọng ca chính Chester Bennington đã qua đời tại nhà riêng. Nguyên nhân được xác định là do tự vẫn. Sự qua đời của anh, cùng với sự thật về quá khứ đau thương được chia sẻ đã gây nên sự sửng sốt và niềm tiếc thương vô hạn, không chỉ đối với các fan nhạc rock mà với cả những người đã sống trong giai đoạn đỉnh cao của Linkin Park.
Theo Hà My
Thể thao & Văn hóa