Thu âm hi-res đòi hỏi mọi sự chuẩn bị chu đáo để khi vào thu, sự linh động ngẫu hứng và các cảm xúc xuất thần mới có chỗ phát tiết.

Được sự khuyến khích từ cộng đồng audiophiles Việt Nam, sau thành công (bất ngờ) của album my guitar my friends 10 năm trước, chúng tôi thực hiện dự án audio Địa Đàng 3 theo định dạng chuẩn hi-res 96Khz, 24 bit. Nếu như “My guitar My friends” chỉ thu trực tiếp đồng thời qua băng cối một guitar và một giọng hát, thì Địa Đàng 3 có biên chế dù nhỏ (4 thành viên chính) vẫn đòi hỏi chuẩn bị công phu hơn nhiều.

Nhạc sĩ Quốc Bảo.

Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị dự án vào đầu tháng 11 năm 2017, thu các bản demo (bản nháp) để cân chỉnh lại bài phối đến khi vừa ý, rồi mới mời ban nhạc vào studio. Hai gương mặt khách mời danh dự mà chúng tôi rất lấy làm hãnh diện là nhạc sĩ Bảo Chấn (nhà hòa âm, pianist) và nhạc sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (guitarist sinh sống ở Mỹ, được mệnh danh là “mười ngón tay vàng Á châu”) – hai cây cổ thụ của giới nhạc sĩ ghi âm Việt Nam. Các thành viên còn lại là tôi (Quốc Bảo: guitar, hòa âm, sản xuất, soạn nhạc), ca sĩ Nguyên Hà, ca sĩ Phạm Hoài Nam, tay violin độc tấu Lê Trí Toàn, nghệ sĩ đàn tranh Vũ Kim Yến và nghệ sĩ mandolin Anh Thư.

Thu âm hi-res đòi hỏi mọi sự chuẩn bị chu đáo để khi vào thu, sự linh động ngẫu hứng và các cảm xúc xuất thần mới có chỗ phát tiết. Ngày nào một thành viên không có “mood”, ngày ấy coi như hỏng. Vì thế ngay cả phần thu mộc đã tốn hơn một tháng. Mười một tracks kéo dài xấp xỉ 60 phút mà mất hàng tháng trời như vậy!

Yếu tố kỹ thuật

Nói một cách dễ hiểu, quá trình thu âm hi-res chuyển đổi âm thanh analog (âm thanh thật mà chúng ta nghe thấy) thành tín hiệu số ở mức cao, sự chuyển đổi càng tinh tế khi ta có thiết bị tốt và như thế, việc số hóa coi như “thành công” vì đã lấy được âm thanh trung thực. Nghe qua những dàn máy nhỏ, không nhận thấy sự khác biệt giữa bản 320 Kbps MP3 với bản WAV 24 bit, nhưng khi bật nhạc trên những dàn hi-end thì thấy ngay MP3 bị thiếu nhiều tần số tinh tế, âm thanh “nhạt”, kém độ sâu và chưa kể bị méo tiếng.

Chúng tôi thu âm tại studio Viết Tân, mix ở chuẩn 96Khz 24 bit rồi chuyển các files đã mix sang Anh Quốc để làm mastering. Mastering rất quan trọng: bằng các thiết bị analog cao cấp, files số được chuyển đổi thành tín hiệu analog trở lại, cân chỉnh các tần số để sản phẩm âm nhạc đến với người nghe dù bằng thiết bị nào cũng thấy hấp dẫn như nhau. Công việc này tốn gần hai tháng.

Mastering: các chuẩn

Thật sự chẳng có một chuẩn mực nào cho mastering. Vì đang là thời nhạc streaming, Apple đặt ra chuẩn mFiT (mastering for iTunes) trong đó quy định các thông số kỹ thuật sao cho khi convert sang dạng AAC (dạng file do Apple độc quyền) sẽ nghe được tốt nhất. Chúng tôi không tuân theo chuẩn này, vì dù gì đi nữa iTunes chỉ là một trong rất nhiều mạng lưới phát hành mà chúng tôi hướng đến: Spotify, Amazon MP3, Deezer, 7digital, Tidal… Không nói đến Youtube vì âm thanh ở đó tệ, còn nhiều nơi phân phối audio tốt cho các đối tượng nghe khác nhau (hi-end, di động), chúng tôi sao phải lệ thuộc chuẩn Apple? Thế cho nên, Địa Đàng 3 khi phát hành thử trên một số kênh, chúng tôi vẫn hài lòng với Tidal (WAV không nén) và Spotify (MP3) nhất.

Chúng tôi tiến hành kiểm tra nguồn phát trên nhiều thiết bị (dàn hi-end Bowers & Wilkins, dàn nghe audio gia đình, dàn máy trên xe hơi, điện thoại di động). Riêng trên điện thoại di động, chúng tôi test âm thanh bằng Samsung Galaxy S9+ với tai nghe Notes Audio AT10 bản đặc biệt đã được chuyên biệt hóa riêng cho album Địa Đàng 3.

Trước tiên, kiểm tra bản lossless 96Khz 24 bit bằng app TEAC HR Audio Player. Âm thanh mềm, tần số giọng hát vang đều, bass ấm chắc. Kế đó, kiểm tra cả album chạy trên Spotify Premium ở chất lượng phát cao nhất. Hơi thiếu “ngọt”, nhưng vẫn đầy đặn, tiếng violin thể hiện cực kỳ tốt, cả tiếng đàn tranh độc tấu cũng có khoảng âm vang rộng, cộng hưởng liên tiếp không dứt. Sau khi so sánh với iPhone X, chúng tôi chủ quan cho rằng Galaxy S9+ có nhiều ưu thế về âm thanh hơn.

Chúng tôi phân phối Địa Đàng 3 bản hi-res qua việc download trực tiếp, không qua kênh phát hành nào. Các bản CD deluxe edition và MP3 cũng chỉ phát hành với số lượng hạn chế. Nỗ lực này ghi dấu hướng phát triển của chúng tôi (và dĩ nhiên, cả các hãng đĩa VN khác) trên địa hạt hi-res audio vốn đầy tiềm năng mà thiếu chương trình trầm trọng. CD có thể sẽ chết, nhưng hi-res audio và đĩa than thì trường tồn.

Nguồn: dientutieudung.vn